Hiệu quả thực hiện quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng

Những năm qua, việc thực hiện Quy chế phối hợp bảo vệ rừng (BVR) vùng giáp ranh giữa tỉnh ta với tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Khánh Hòa đã đem lại những kết quả tích cực. Qua đó, kịp thời phát hiện và ngăn chặn nhiều vụ phá rừng tại các khu vực trọng điểm, vùng giáp ranh.

Tỉnh ta có chung ranh giới với các huyện Đức Trọng, Đơn Dương và Lạc Dương (Lâm Đồng), huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn và Tp. Cam Ranh (Khánh Hòa); huyện Tuy Phong (Bình Thuận) với khoảng 183 km. Toàn bộ diện tích rừng và đất rừng tại khu vực giáp ranh được giao cho các Ban Quản lý rừng và các công ty lâm nghiệp quản lý bảo vệ. Khu vực rừng giáp ranh với các tỉnh có hệ động vật rất phong phú, đa dạng, nhiều loại động thực vật quý hiếm có giá trị kinh tế cao, có vai trò hết sức quan trọng trong việc chống xói mòn, điều hòa nguồn nước cho vùng hạ lưu, bảo vệ đa dạng sinh học trong khu vực. Tuy nhiên, khu vực rừng giáp ranh có địa hình rất phức tạp, núi cao, độ dốc lớn, hiểm trở, dân cư khu vực giáp ranh đa số là đồng bào dân tộc thiểu số... nên rất khó khăn trong công tác quản lý, BVR. Vì thế, khu vực rừng giáp ranh luôn tiềm ẩn nguy cơ bị tác động.

Nhằm tạo điều kiện cho lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và cơ quan chức năng các tỉnh trao đổi, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình phá rừng, danh sách đối tượng vi phạm và hỗ trợ nhau trong phối hợp tuần tra, truy quét, năm 2015, tỉnh ta đã ký kết Quy chế phối hợp về BVR vùng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Khánh Hòa. Trên cơ sở Quy chế phối hợp đã ký kết, ngành kiểm lâm, đơn vị chủ rừng và các cơ quan chức năng các tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý, BVR. Lực lượng kiểm lâm, đơn vị chủ rừng và chính quyền cấp huyện có rừng vùng giáp ranh giữa các tỉnh đã thực hiện tốt việc trao đổi, nắm bắt thông tin về tình hình phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, đối tượng, thủ đoạn hoạt động của lâm tặc; triển khai xây dựng kế hoạch, tổ chức tuần tra, truy quét, ngăn chặn, xóa bỏ các tụ điểm mua, bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, các hành vi vi phạm về quản lý động vật hoang dã, xử lý các đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp; phối hợp phòng cháy, chữa cháy rừng, góp phần nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất rừng tại các khu vực trọng điểm, rừng giáp ranh.

Nhân viên Trạm quản lý, bảo vệ rừng Savin thuộc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Tân Tiến tuần tra, kiểm soát
lâm phần đơn vị quản lý tại vùng giáp ranh.

Từ sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng chức năng các tỉnh và các huyện vùng giáp ranh, nhiều vụ vi phạm lâm luật đã được ngăn chặn kịp thời. Chỉ tính riêng từ năm 2020 đến nay, lực lượng kiểm lâm, BVR và cơ quan chức năng các tỉnh đã phối hợp với lực lượng tỉnh ta tổ chức được 59 đợt tuần tra, truy quét việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên vùng giáp ranh với 697 lượt người tham gia. Phát hiện xử lý 11 vụ vi phạm, tịch thu 327,607 m3 gỗ các loại, bắt 58 xe mô tô, 4 xe ô tô vận chuyển cây cảnh; xử phạt hành chính 100 triệu đồng...

Mặc dù công tác phối hợp về BVR vùng giáp ranh giữa các tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, song công tác BVR ở khu vực này còn gặp rất nhiều khó khăn như: Hoạt động trao đổi thông tin và phối hợp kiểm tra, truy quét giữa các đơn vị giáp ranh chưa được duy trì thường xuyên; hệ thống giao thông đi lại khó khăn; phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ còn thiếu; lực lương BVR tại khu vực giáp ranh mỏng; diện tích đất lâm nghiệp vùng giáp ranh tiếp giáp với cộng đồng dân cư sinh sống trong điều kiện thiếu đất canh tác, do vậy áp lực về phá rừng làm rẫy vẫn còn diễn ra; chưa có sự cộng tác tích cực của chính quyền địa phương trong quản lý dân di cư tại các khu vực giáp ranh... dẫn đến nguy cơ phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép ở vùng giáp ranh giữa các tỉnh.

Đồng chí Trần Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Quy chế phối hợp về BVR vùng giáp ranh giữa tỉnh ta với các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Khánh Hòa đã ký kết trong những năm qua chính là hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ và phát triển rừng của mỗi tỉnh. Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng và UBND các huyện, tiếp tục rà soát Quy chế phối hợp đã ký kết để xem xét đề xuất bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với Luật Lâm nghiệp. Chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm, đơn vị chủ rừng thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, tổ chức phối hợp tuần tra, truy quét tại vùng giáp ranh, nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bảo vệ và phát triển rừng, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm BVR trong cộng đồng vùng giáp ranh. Mặt khác, ngành chức năng của các tỉnh tập trung hướng dẫn, giám sát các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương các huyện có rừng giáp ranh thực hiện các phương án, kế hoạch BVR đúng quy định và tham gia chữa cháy rừng khi được huy động; phối hợp lập hồ sơ, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý, BVR tại vùng giáp ranh; thường xuyên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá và lập phương án phối hợp; tập trung củng cố các trạm, chốt BVR tại các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh; ngành kiểm lâm các tỉnh cùng hỗ trợ lực lượng, phương tiện trong công tác BVR.