Theo đó, UBND tỉnh xác định cụ thể từng địa điểm thuộc địa bàn của 7 huyện, thành phố theo 4 cấp độ: “vùng nguy cơ rất cao”, “vùng nguy cơ cao”, “vùng nguy cơ trung bình” và “vùng nguy cơ thấp” (mức nguy cơ giữa các khu vực có thể thay đổi theo thời gian và hiệu quả kiểm soát dịch) để thực hiện xét nghiệm tầm soát, tập trung truy vết, khoanh vùng dập dịch kịp thời.
Bốn nhóm nguy cơ gồm: “Nhóm nguy cơ rất cao” là lái xe và phụ xe tuyến liên tỉnh; hội viên các nhóm truyền giáo; nhân viên y tế, công an, quân đội, tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch; nhân viên và bệnh nhân lưu trú tại các bệnh viện; người từ các tỉnh, thành ở khu vực có cấp độ dịch cấp 4 (nguy cơ rất cao) đến, về tỉnh Ninh Thuận; người có tiếp xúc gần với người bệnh hoặc nghi mắc COVID-19; người trong vùng phong tỏa, cách ly y tế.
Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Phan Rang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: V.N
Những người ở “Nhóm nguy cơ cao” gồm các tiểu thương tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, cảng cá; người trên 65 tuổi; người thừa cân (béo phì), người có bệnh mãn tính; nhân viên các trung tâm thương mại; thợ tự do; người bán vé số; người chuyển phát hàng; nhân viên các cơ sở dịch vụ ăn uống, karaoke, spa; người bảo vệ và khuân vác hàng tại ga tàu, bến xe, bến cảng; công nhân trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp; người làm việc, học tập trong các cơ sở giáo dục; cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên có tiếp xúc với nhiều người; thợ hớt tóc, sửa xe, nhân viên các trạm xăng, dầu; người lao động giữ chức danh tổ trưởng, quản công, giám sát thường xuyên đang làm việc tại các doanh nghiệp hoạt động xây dựng.
Hai nhóm còn lại gồm “Nhóm nguy cơ trung bình” là những người không thuộc hai nhóm trên, đã tiêm 1 mũi vắc xin phòng COVID-19 và “Nhóm nguy cơ thấp” là những người không thuộc các nhóm trên và đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19.
Tùy từng địa bàn, khu vực dân cư được xác định theo tiêu chí phân loại vùng nguy cơ, đối tượng nguy cơ và các hoạt động nguy cơ, ngành Y tế khẩn trương phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện xét nghiệm sàng lọc.
Cụ thể, đối với vùng, khu vực phong tỏa, khu vực cấp độ 4 (quy mô < 50 hộ dân); cụm công nghiệp, khu công nghiệp có F0 thì lấy mẫu 100% dân số trong vùng và toàn bộ công nhân cùng phân xưởng, tổ sản xuất (F1). Kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm bằng test nhanh để tách ngay F0; kết hợp lấy mẫu PCR gộp 10 cho số người có kết quả test nhanh âm tính và mẫu đơn PCR của những người có kết quả test nhanh dương tính để xác nhận kết quả. Tần suất lấy mẫu vào ngày 1, ngày 3, ngày 7 và ngày 14. Nếu mật độ ca mắc COVID-19 nhiều thì 2 ngày xét nghiệm 1 lần.
Vùng, khu vực nguy cơ cao (cấp độ 3) thì lấy 100% mẫu đại diện hộ gia đình trong vùng (1 người/hộ). Mẫu ngẫu nhiên 50% số lượng người lao động của doanh nghiệp có F0, F1. Kỹ thuật lấy mẫu: Mẫu PCR gộp 10. Dùng test nhanh để test toàn bộ số người trong mẫu gộp có kết quả xét nghiệm PCR dương tính. Tần suất lấy mẫu 5-7 ngày/lần.
Vùng, khu vực nguy cơ trung bình và thấp thì lấy mẫu ngẫu nhiên 20-50% người trong khu vực để tầm soát. Kỹ thuật lấy mẫu: Mẫu PCR gộp 10. Test nhanh cho toàn bộ người của mẫu gộp dương tính. Tần suất lấy mẫu 7 ngày/lần. Nếu ca dương tính thì xác định cấp độ nguy cơ và quyết định số lần lấy mẫu phù hợp...
Bảo Huân