Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, Bộ Y tế phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất việc cho học sinh quay trở lại trường. Theo đó, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào việc phân loại đánh giá cấp độ dịch theo từng địa bàn để quyết định dạy và học trực tiếp theo nguyên tắc địa phương nào kiểm soát được dịch thì cho học sinh trở lại học tập; các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục, giải pháp sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra trong nhà trường phù hợp với thực tiễn dịch bệnh tại địa phương. Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, phương tiện phòng dịch, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, chú ý yếu tố liên quan đến người khuyết tật. Theo đó, với địa bàn xác định dịch ở cấp độ 1, 2 thì tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh. Đồng thời, thống nhất sớm ban hành và rà soát bổ sung hướng dẫn sổ y tế phòng chống COVID -19 trong trường học, tổ chức tập huấn hệ thống trường học toàn quốc, kỹ năng dự phòng và quản lý chăm sóc, phòng chống dịch cho đội ngũ giáo viên và cán bộ y tế trường học. Đến nay cả nước có 21 tỉnh, thành tổ chức cho học sinh học trực tiếp; 18 tỉnh, thành kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến, còn 24 địa phương học trực tuyến và qua truyền hình.
Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến toàn quốc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục tại điểm cầu tỉnh ta.
Về việc triển khai tiêm vắc xin cho học sinh từ 12-17 tuổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục sẵn sàng phối hợp, lập danh sách, khảo sát lấy ý kiến đồng ý của phụ huynh học sinh và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức tiêm tại trường học. Hiện nhiều địa phương đã thực hiện tiêm vắc xin cho học sinh như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ninh Bình, Đồng Nai, Cà Mau, Sóc Trăng… Phấn đấu, 95% trẻ chỉ định tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 được tiêm chủng đủ số liều cơ bản và liều nhắc lại trong năm 2022.
Xuân Nguyên