Giáo hội Phật giáo Việt Nam Hội nhập và phát triển cùng đất nước

Phát huy truyền thống yêu nước, yêu dân tộc của Phật giáo Việt Nam, 40 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, thể hiện rõ vai trò, vị trí của Phật giáo và dân tộc, thực hiện những việc làm thiết thực ích đạo, lợi đời, khẳng định mối quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa dân tộc và đạo pháp.

 Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng lớn mạnh

Hòa với dòng chảy của văn hóa dân tộc, Phật giáo đã trở thành một tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, với truyền thống “Hộ quốc, an dân”. Trong các triều đại: Đinh, Tiền Lê đến triều Lý, triều Trần, bên cạnh các vị minh quân luôn có các vị cao tăng phò vua giúp nước nên Phật giáo luôn có một vai trò rất quan trọng trong việc “Hộ quốc, an dân”. Trong các cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước, nhiều người con Phật đã đồng hành cùng với đồng bào cả nước “cởi áo cà sa, khoác áo chiến bào” rời bỏ thiền môn lên đường tòng quân đánh giặc cứu nước; góp phần cùng cả dân tộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.

Trong niềm vui thống nhất “non sông liền một dải” của cả dân tộc, tăng, ni, phật tử cả nước luôn ước nguyện xây dựng một Giáo hội Phật giáo chung trong cả nước nhằm gắn kết với nhau thành khối đoàn kết chặt chẽ trong khối đại đoàn kết dân tộc. Và Đại hội đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam tổ chức từ ngày 4 đến 7-11-1981 tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội đã quy tụ 9 tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo trong cả nước để thành lập ra Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức đại diện cho tăng, ni, phật tử Việt Nam trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động Phật sự theo hướng đi lên của thời đại.

Trải qua 40 năm xây dựng, phát triển, là tổ chức thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong MTTQ Việt Nam, với 8 kỳ đại hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng phát triển, lớn mạnh và đã đạt được nhiều thành tựu Phật sự quan trọng trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của Giáo hội.

Từ lúc đầu chỉ có 27 Ban Trị sự cấp tỉnh, thành phố, đến nay Giáo hội đã thành lập được Ban Trị sự tại 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, với hơn 54 nghìn tăng ni, hơn 18.000 tự viện. Công tác giáo dục đào tạo tăng, ni nhiều khởi sắc, mở rộng quy mô và loại hình đào tạo với 4 Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh và TP. Cần Thơ và hàng chục Trường Trung cấp Phật học tại các tỉnh, thành phố.

Cùng với việc xây dựng Giáo hội ngày càng lớn mạnh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đẩy mạnh công tác đối ngoại và các hoạt động của Giáo hội, góp phần làm cho bạn bè thế giới ngày càng hiểu hơn về Việt Nam, hiện đang hội nhập và phát triển mạnh mẽ; tham gia nhiều đại lễ, hội nghị, hội thảo Phật giáo quốc tế ở nhiều nước... Đặc biệt, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức thành công 3 Đại lễ Vesak Liên hợp quốc vào các năm 2008, 2014 và 2019. Qua đó, hình ảnh và uy tín của Phật giáo Việt Nam ngày càng được khẳng định trong cộng đồng Phật giáo thế giới.

Hội nhập và phát triển cùng đất nước

Trải qua 40 năm hình thành và phát triển, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kế thừa truyền thống hơn hai nghìn năm lịch sử của Phật giáo Việt Nam, luôn đồng hành cùng dân tộc và có những đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo phương châm dân tộc - đạo pháp - chủ nghĩa xã hội.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ Việt Nam phát động, như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trước đây; Cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Cuộc vận động "Quỹ Vì người nghèo"; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...; sự hưởng ứng tích cực, chủ động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được đông đảo tăng, ni, phật tử cả nước tham gia.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, giúp đỡ người già neo đơn, trẻ em tàn tật, mồ côi, người khó khăn... Giáo hội Phật giáo Việt Nam coi công tác từ thiện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Giáo hội. Giáo hội hiện có trên 160 Tuệ Tĩnh đường, 700 phòng chẩn trị y học dân tộc, một phòng khám đa khoa đang hoạt động có hiệu quả, khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục nghìn lượt bệnh nhân. Giáo hội cũng tổ chức các hoạt động cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt và tham gia tích cực ủng hộ phong trào xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc người có công với đất nước... Kết quả công tác từ thiện xã hội mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng, số liệu tổng kết trong 40 năm qua ước tính khoảng gần 20.000 tỷ đồng.

Trong đại dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam từ cuối năm 2019 đến nay, Giáo hội đã có nhiều thông bạch vận động Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố, tăng, ni, phật tử các Tự viện tích cực tham gia phòng, chống dịch bằng nhiều hình thức, như: Ủng hộ lương thực, thực phẩm, ủng hộ Quỹ vắc xin phòng, chống dịch COVID-19; ủng hộ thiết bị y tế trị giá hàng chục tỷ đồng; lấy cơ sở tự viện làm điểm cách ly tập trung cho bệnh nhân COVID-19. Nhiều tăng, ni, phật tử đã tham gia vào tuyến đầu, chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại các bệnh viện dã chiến...

Đặc biệt, Giáo hội còn thực hiện công tác cứu trợ quốc tế như cứu trợ đồng bào vùng Đông Bắc Nhật Bản bị động đất và sóng thần, động đất tại Nêpan.

Theo TTXVN