Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu (BQL) được giao quản lý rừng và đất lâm nghiệp với tổng diện tích hơn 39.364 ha trên địa bàn 11 xã miền núi, thuộc 3 huyện: Thuận Bắc, Bác Ái, Ninh Sơn. Từ đầu năm đến nay, đơn vị triển khai thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ rừng (BVR) có hiệu quả. Qua đó, diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn được bảo vệ tốt, xóa những “điểm nóng” về khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái quy định.
Để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, BQL coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, ngăn chặn không cho người dân vào rừng hoạt động trái phép. Ngay từ đầu năm 2021, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, phương án kiểm tra, BVR; tham mưu cho các huyện thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, truy quét đối tượng khai thác trái phép, nhất là tại vùng giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa. Các khu vực rừng đầu nguồn xã Phước Thành, Phước Chính... có trữ lượng gỗ khá lớn là “điểm nóng” về phá rừng, lấn chiếm đất rừng đã được đơn vị tăng cường nhiều cuộc tuần tra, ngăn chặn kịp thời các vụ việc nổi cộm.
Một góc rừng ở xã Phước Bình (Bác Ái). Ảnh: Phan Bình
Cách làm sáng tạo đáng kể của BQL gần đây là đã triển khai ứng dụng công nghệ tin học trong thực hiện nhiệm vụ, như: Thiết lập nhóm quản lý, BVR trên ứng dụng Zalo, nhằm triển khai kịp thời chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị, cung cấp thông tin hoạt động quản lý, BVR của lực lượng chuyên trách. Sử dụng ứng dụng hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát tài nguyên rừng Geo2GPS Free trên điện thoại di động, giúp đơn giản hóa công việc, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, khảo sát thực địa của lực lượng chuyên trách BVR. Các trạm quản lý, BVR được trang bị máy in, máy tính kết nối internet. Công tác nhận và gửi văn bản đều được ứng dụng qua Zalo và hộp thư điện tử đảm bảo thông tin kịp thời và tiết kiệm, phù hợp tình hình thực hiện phòng, chống dịch COVID-19. Ứng dụng phần mềm Mapinfo trong xác định diện tích, vị trí các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, phục vụ cho công tác lập hồ sơ và xử lý vi phạm. Việc ứng dụng công nghệ tin học đã góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, BVR.
Cùng với đó, BQL còn làm tốt công tác trồng rừng, góp phần nâng cao độ che phủ rừng. Theo kế hoạch, năm 2021 đơn vị trồng 70 ha rừng, trồng 45.000 cây phân tán, chăm sóc 650 ha rừng. Mặc dù thời tiết hiện nay ít mưa và dịch COVID- 19 đang diễn biến phức tạp, nhưng đơn vị đã chuẩn bị 230.000 cây giống, gồm: Thông ba lá, Lim xẹt, Thanh thất, Muồng đen... cấp phát cho các hộ dân tham gia trồng rừng.
Với sự triển khai quyết liệt và kịp thời của đơn vị, công tác trồng rừng, chăm sóc rừng năm 2021 đạt kế hoạch, tỷ lệ cây sống cao, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chống xói mòn, bảo vệ nguồn nước cho các hồ trên lâm phần, tăng thu nhập cho các hộ dân tham gia trồng rừng, đồng thời giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Phát huy vai trò của người dân trong BVR bền vững, những năm qua, BQL đã thực hiện khoán BVR cho cộng đồng với diện tích 14.600 ha; trong đó, huyện Bác Ái 12.400 ha, Thuận Bắc 2.200 ha, với định mức 400.000 đồng/ha, kinh phí chi trả trực tiếp cho hộ BVR là 5,8 tỷ đồng/năm. Đơn vị đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho các hộ dân tham gia BVR, trồng rừng được vay vốn chăn nuôi gia súc, từ năm 2016 đến nay các hộ được vay tổng số tiền trên 6,462 tỷ đồng để mua con giống. Đồng thời, vận động các hộ nhận khoán BVR tham gia xây dựng mô hình sinh kế “Chăn nuôi bò dưới tán rừng”, trích tiền tiết kiệm từ nguồn khoán BVR để mua bò cho các thành viên trong cộng đồng với số lượng 368 con bò cái và 52 con dê. Việc tổ chức, huy động người dân địa phương tham gia BVR kết hợp phát triển mô hình sinh kế trên lâm phần BQL trong thời gian qua vừa thu hút người dân tích cực tham gia BVR hiệu quả, vừa nâng cao thu nhập cho các hộ dân sống ven rừng.
Anh Tùng