Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Bác Ái, trong năm 2020, trên địa bàn huyện xảy ra 8 đợt mưa lớn kèm theo lốc xoáy và sét đánh làm chết 4 người, tốc mái tôn 132 căn nhà, thiệt hại hơn 15 ha hoa màu của người dân và làm hư hỏng hạ tầng giao thông ở một số tuyến đường đi các xã Phước Bình, Phước Thành, Phước Chiến... Để chủ động PCTT trong mùa mưa bão năm nay, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhân dân, huyện đã kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đảm bảo tính thống nhất, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, ban, đoàn thể để phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra. Tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp Nhân dân, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chủ động tự PCTT an toàn, hiệu quả. Tập trung chỉ đạo ở các địa bàn trọng yếu thường xảy ra lũ ống, lũ quét như: Thôn Núi Rây (xã Phước Chính); thôn Suối Lở (xã Phước Thành); các thôn Bạc Rây 2, Gia É, Bố Lang (xã Phước Bình); các khu vực trọng điểm sạt lở trên tuyến Tỉnh lộ 706 (từ xã Phước Thành - xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc); tuyến Tỉnh lộ 707 (đoạn tránh lòng hồ Sông Cái; đoạn tại Km24+500 thôn Hành Rạc, xã Phước Bình); hạ du các hồ: Sông Sắt, Trà Co, Phước Trung và Phước Nhơn khi xả lũ hoặc vỡ đập chủ động có phương án ứng phó.
Công trình đường đê bao chống sạt lở Sông Sắt khu vực Tà Lú 1, xã Phước Đại vừa hoàn thành
giúp chống sạt lở trên địa bàn huyện Bác Ái. Ảnh: K.H
Đồng chí Ngô Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết: Để chủ động ứng phó trước diễn biến bất thường của thời tiết trong mùa mưa bão năm nay, huyện đã chỉ đạo các xã kiện toàn ban chỉ huy và đội xung kích PCTT, phân công nhiệm vụ cho các thành viên khi có tình huống bão, lũ xảy ra chủ động có phương án ứng phó. Đồng thời, chủ động cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, các công điện, văn bản chỉ đạo của cấp trên trong việc ứng phó với thiên tai qua hệ thống đài truyền thanh, điện thoại, mạng Intrernet, Zalo, Facebook... để cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và Nhân dân biết chủ động phòng, tránh. Chỉ đạo các xã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con nâng cao cảnh giác, PCTT, không tự ý lên rẫy, qua các sông, suối, đến gần hồ, đập mỗi khi có mưa lớn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người trong mùa mưa bão.
Trên địa bàn huyện Bác Ái có 5 hồ chứa nước: Tân Mỹ, Sông Sắt, Trà Co, Phước Nhơn và Phước Trung. Vì vậy, công tác bảo đảm vận hành an toàn các hồ đập cũng được quan tâm, nhất là khi các hồ chứa có kế hoạch xả lũ. Để bảo đảm an toàn, huyện đã giao Trạm Thủy nông chuẩn bị đầy đủ các vật tư, thiết bị thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống lụt bão tại các hồ chứa và vận hành theo kế hoạch của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh. Ngoài ra, khi các hồ có kế hoạch xả lũ phải thông báo cho chính quyền địa phương phổ biến đến Nhân dân vùng hạ du và các cơ quan liên quan về xả lũ trước 6 giờ đồng hồ để chủ động phòng tránh và tổ chức di dời dân ở vùng hạ du đến nơi an toàn.
Ngay từ đầu mùa mưa năm nay, huyện Thuận Bắc đã triển khai nhiều giải pháp, phương án nhằm chủ động phòng, chống lụt bão với phương châm “4 tại chỗ” hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân.
Là địa phương có địa hình phức tạp, đồi núi cao, nhiều dốc (tập trung 2 xã Phước Chiến và Phước Kháng), nhiều suối có độ dốc lớn và một số hồ có dung tích chứa nước khá lớn như hồ Sông Trâu, hồ Bà Râu... nên mỗi khi mưa bão, địa phương thường xảy ra lũ lụt, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đá. Để chủ động trong công tác phòng, chống huyện đã xác định cụ thể, khoanh vùng các khu vực trọng điểm cần ưu tiên cứu nạn, cứu hộ, các vùng có khả năng bị sạt lở núi như: Núi Chúa (xã Lợi Hải), Cầu Đá (xã Phước Kháng), khu vực Kà Rôm, Ba Hồ (xã Công Hải), tuyến đường Phước Kháng - Suối Le, Phước Thành - Phước Chiến...; khu vực lũ lụt: Thôn Ba Tháp, Gò Sạn (xã Bắc Phong), Hiệp Thành, Hiệp Kiết, Suối Giếng, Giác Lan (xã Công Hải)...; khu vực lũ quét như: Ven suối Kiền Kiền, suối Tiên, suối Bay (xã Công Hải)... khu vực có khả năng bị lũ lụt chia cắt: Thôn Ma Trai (tại cầu tràn đi qua thôn Ma Trai), Tập Lá, Đầu Suối A (xã Phước Chiến), Đá Liệt (xã Phước Kháng)... để có phương án ứng phó phù hợp từng địa hình.
Trên cơ sở đó, huyện xây dựng lực lượng và phương tiện cứu hộ trên từng lĩnh vực với mục đích đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản. Lực lượng ứng cứu của huyện gồm: Ban Chỉ huy Quân sự huyện 12 người, công an 6 người; trung đội tự vệ huyện 82 người; đội xung kích Huyện đoàn 12 người; mỗi xã đều thành lập lực lượng xung kích gồm 20 người, trực 24/24 giờ. Phân bổ đầy đủ các phương tiện, vật tư, vật liệu đảm bảo công tác cứu nạn như: Ô tô tải, máy đào, 191 chiếc phao cứu sinh, 1.500 bao cát, 2 chiếc phao bè cứu sinh... cho các địa phương để sẵn sàng tham gia xử lý, khắc phục xự cố và di dời dân.
Xác định việc nâng cao ý thức Nhân dân là nhiệm vụ quan trọng, huyện luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hệ thống phát thanh của từng thôn thường xuyên cập nhật những thông tin mới nhất về mưa bão để người dân theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình mưa bão, qua đó chủ động bảo vệ an toàn cho mình và tài sản, cùng chính quyền tham gia phòng, chống mưa lũ. Đồng thời, khuyến cáo nông dân chủ động thu hoạch sớm lúa, hoa màu, thủy sản; dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và nhu yếu phẩm cần thiết khác trong mùa mưa bão.
Nhờ chuẩn bị tốt trong công tác phòng, chống các đợt mưa lũ trong năm vừa qua, toàn huyện hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Ông Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc cho biết: Với phương châm “4 tại chỗ”, huyện huy động tổng lực về người và phương tiện, cơ sở vật chất bằng mọi biện pháp tổ chức ứng cứu kịp thời khi có mưa lũ xảy ra. Trong thời gian tới, dự báo tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, huyện chỉ đạo các xã phải luôn chủ động trong công tác phòng, chống mưa bão, có phương án đối phó trong mọi tình huống, lực lượng xung kích địa phương luôn sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sự cố.
Kha Hân - Minh Khai