Tham dự tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh; các ĐBQH: Đàng Thị Mỹ Hương, Chamaléa Thị Thủy, Nguyễn Văn Thuận và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Tại phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội được nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Cũng trong phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên- Huế. Cuối cùng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.
Thời gian còn lại các đại biểu tập trung thảo luận ở tổ các Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế. Phát biểu ở tổ thảo luận, Đại biểu Trần Quốc Nam đề nghị Chính phủ sớm sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ để sớm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của Ninh Thuận về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh phát triển KT-XH. Ngoài ra, đại biểu Trần Quốc Nam cho rằng, việc quy định về quản lý đất đai, đất rừng cần quy định thật chặt chẽ, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và nên quy định rõ định mức cùng dự án sẽ chặt chẽ hơn. Cũng tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất tán thành về sự cần thiết ban hành các nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tạo động lực giúp các tỉnh phát triển nhanh, góp phần vào phát triển chung của cả nước. Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương cho rằng, khi xem xét yếu tố đặc thù thì cũng nên xem xét dưới góc độ đặc thù của vùng sẽ có nét riêng biệt hơn là từng địa phương. Chính phủ đánh giá về cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh chưa rõ, chưa cụ thể nên đại biểu khó nhìn thấy hiệu quả của chính sách đặc thù và đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn để đại biểu có cơ sở thảo luận về dự thảo đặc thù 4 tỉnh, thành phố trình Quốc hội trong kỳ họp này.
Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố.
* Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục làm việc và nghe Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020 và Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020. Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020. Cuối cùng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.
Thời gian còn lại, các đại biểu tiếp tục thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020 và việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.
Phan Bình