Còn gọi là bạch tật lê, gai ma vương, thích tật lê, gai sầu, gai yết hầu
Mô tả cây
Loại cỏ bò lan trên mặt đất, nhiều cành dài 30-60cm. Lá mọc đối dài 2-3cm, kép lông chim lẻ, 5 đến 6 đôi lá chét đều, phủ lông trắng mịn ở mặt dưới. Hoa màu vàng, mọc riêng lẻ ở kẽ lá, cuống ngắn, 5 lá đài 5 cánh hoa, 10 nhị, bầu 5 ô. Hoa nở vào mùa hè. Quả nhỏ, khô, gồm 5 vỏ cứng trên có gai hình 3 cạnh, dưới lớp vỏ dày là hạt có phôi không nội nhũ.
Công dụng và liều dùng
Tật lê có vị đắng, tính ôn, vào hai kinh can và phế, có tác dụng bình can, tán phong, thắng thấp, hành huyết, dùng chữa các bệnh đầu nhức, mắt đỏ, nhiều nước mắt, phong ngứa, tịch tụ, tắc sữa. Những người huyết hư, khí yếu không dùng được.
Hiện nay tật lê thường dùng chữa đau mắt, nhức vùng mắt, chảy nước mắt. Ngoài ra còn dùng làm thuốc bổ thận, trị đau lưng, tinh dịch không bền, gầy yếu, chảy máu cam, lỵ, súc miệng chữa loét miệng. mỗi ngày 12 đến 16g dưới dạng thuốc bột hay thuốc sắc. Toàn cây còn dùng cho súc vật ăn và nhiều photpho.
Đơn thuốc có tật lê
Chữa kinh nguyệt không đều, thấy kinh đau bụng: Tật lê 12g, đương quy 12g, nước 400ml, sắc còn 200ml, chia hai lần uống trong ngày.
Chữa đau mắt: Cho tật lê vào chén nước, đun sôi, hứng mắt vào hơi nước.
Đức Doãn (Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).