* Thủ tướng Phạm Minh Chính: Trong tháng 9, Việt Nam có thể có vaccine sản xuất trong nước
Sáng 12/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 để tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất vaccine phòng COVID-19 ở trong nước.
Dự cuộc họp có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 dự họp tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh.
Thủ tướng cho biết, thời gian ngắn vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có 5 cuộc họp về vấn đề nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, thuốc và các trang thiết bị khác phục vụ chống dịch. Bên cạnh đó, Thủ tướng đã có nhiều chuyến thăm, động viên và kiểm tra các cơ sở nghiên cứu, sản xuất vaccine tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với vấn đề sản xuất vaccine trong nước.
Cùng với đó, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sau đó ban hành Nghị quyết 86 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, tháo gỡ cơ bản những vướng mắc liên quan tới thủ tục cấp phép lưu hành thuốc, vaccine và ban hành các chính sách đặc thù khác. Tuy nhiên, nếu còn vướng mắc phải tiếp tục tháo gỡ; vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải xử lý ngay, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên xem xét, quyết định.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại yêu cầu tiếp cận bình đẳng với tất cả các loại vaccine, “loại vaccine tốt nhất là vaccine được cấp phép và được tiêm sớm nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất". Cùng với vaccine, Thủ tướng yêu cầu tích cực hơn nữa thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất thuốc điều trị COVID-19 và các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch, nhất là kit xét nghiệm.
Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả chúng ta cần cố gắng, quyết tâm, nỗ lực, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa mục tiêu cuối cùng là Việt Nam sớm có vaccine tự sản xuất. Nếu mọi việc suôn sẻ thì trong tháng 9 này, chúng ta có thể có vaccine sản xuất trong nước.
* Xuất cấp hàng dự trữ quốc gia, bổ sung kinh phí cho 2 đơn vị để phòng, chống dịch COVID-19
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 1394/QĐ-TTg chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền nhà bạt, máy phát điện từ nguồn dự trữ quốc gia cho UBND TPHCM để trang cấp cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19, cụ thể: 410 bộ nhà bạt cứu sinh (gồm: 150 bộ loại 16,5 m2, 170 bộ loại 24,5 m2 và 90 bộ loại 24,75 m2); 14 bộ máy phát điện (gồm 11 bộ loại 30 KVA và 3 bộ loại 136-150 KVA).
Bộ Tài chính, UBND TPHCM chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo. UBND TPHCM tiếp nhận, phân bổ và hướng dẫn các đơn vị quản lý, sử dụng số hàng dự trữ quốc gia nêu trên theo đúng quy định.
* Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng vừa ký Quyết định 1395/QĐ-TTg bổ sung 153,5 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 cho Bộ Quốc phòng để phòng, chống dịch COVID-19, trong đó, mua sắm, hoán cải 5 xe xét nghiệm lưu động (53,5 tỷ đồng); bảo đảm khám chữa bệnh, mua vật tư, thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế (100 tỷ đồng).
Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo; Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm về chất lượng 5 xe xét nghiệm lưu động hoán cải, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chuyên môn, bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được bổ sung bảo đảm đúng quy định của pháp luật có liên quan, đúng mục đích, đúng đối tượng, không trùng lặp, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.
Giá vàng sáng 13/8 giao dịch trên mốc 57 triệu đồng/lượng
Thời điểm 8 giờ 35 phút, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 56,4 - 57,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với cuối phiên hôm qua.
Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC cũng không đổi so với chốt phiên hôm qua, ở mức 56,4 - 57,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 56,4 - 57,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên so với đóng cửa phiên hôm qua.
Trước đó, trong phiên giao dịch 12/8, giá vàng thế giới giảm sau khi Mỹ thông báo chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này tốt hơn dự kiến. Giá vàng giao tháng 12/2021 đã giảm 0,09% xuống 1.751,8 USD/ounce lúc đóng cửa.
Tỷ giá trung tâm sáng 13/8 giảm 7 đồng
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 13/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.145 VND/USD, giảm 7 đồng so với hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.839 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.450 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, sáng nay giá USD biến động trái chiều.
Lúc 8 giờ 25 phút, tại Vietcombank, giá USD tăng 10 đồng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cùng thời điểm hôm qua, niêm yết ở mức 22.680 - 22.910 VND/USD (mua vào - bán ra).
Giá đồng NDT tại Vietcombank tăng 3 đồng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cùng thời điểm hôm qua, niêm yết ở mức 3.449 - 3.594 VND/NDT (mua vào - bán ra).
Giá dầu thế giới phiên 12/8 giảm sau báo cáo của IEA
Trong phiên giao dịch ngày 12/8, giá dầu thế giới giảm sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định sự lây lan của biến thể Delta có thể làm chậm đà phục hồi của nhu cầu dầu toàn cầu.
Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 13 xu Mỹ xuống 71,31 USD/thùng. Trước đó, giá dầu Brent Biển Bắc có lúc chạm mức cao nhất trong phiên này là 71,90 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 16 xu Mỹ và đóng phiên ở mức 69,09 USD/thùng.
Pháp và Hung-ga-ri tặng Việt Nam vắc xin phòng chống dịch Covid-19
Ngày 12/08, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đăng tải trên Twitter thông tin Pháp quyết định chia sẻ cho Việt Nam 670.000 liều vắc-xin Astra Zeneca thông qua cơ chế Covax. Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội cho biết số vắc-xin này sẽ được vận chuyển và bàn giao cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất có thể, dự kiến vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 tới để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.
"Để giành chiến thắng trước đại dịch, quyền tiếp cận vaccine cần được phổ biến toàn cầu và công bằng. Đây là lý do Pháp vừa chia sẻ 670.000 liều vaccine cho Việt Nam, một phần trong chương trình COVAX", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết trên Twitter.
Trước đó, ngày 11/8/2021, Chính phủ Hung-ga-ri đã quyết định tặng Chính phủ Việt Nam 100.000 liều vắc-xin Astra Zeneca và 100.000 bộ xét nghiệm kháng thể nhanh để đối phó với đại dịch Covid-19.
Việc Chính phủ Hung-ga-ri quyết định hỗ trợ vắc-xin và bộ xét nghiệm kháng thể nhanh cho Việt Nam là nghĩa cử quý báu minh chứng cho mối quan hệ “Đối tác toàn diện” tốt đẹp giữa Việt Nam và Hung-ga-ri trong hơn 70 năm qua, đồng thời thể hiện sự chia sẻ lẫn nhau trong lúc khó khăn, quyết tâm cùng chung sức đồng lòng đẩy lùi đại dịch Covid-19 trên toàn cầu./.
200 máy thở cao cấp từ Đức vừa về tới TP.HCM
Sáng 13.8, máy bay Vietjet từ CHLB Đức đã hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), mang theo 200 máy thở cao cấp, hiện đại do tập đoàn Sovico trao tặng cho Bộ Y tế.
Số máy thở này đã được chuyển ngay cho TP.HCM cùng các địa phương, hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Dự kiến ngay trong ngày mai, 100 máy sẽ được trao tặng cho các bệnh viện tuyến đầu tại TP.HCM - nơi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. 100 máy thở còn lại sẽ được chuyển tiếp cho các bệnh viện tại Hà Nội, Đồng Nai, Kiên Giang.
13 tấn trang thiết bị y tế viện trợ của Thụy Sỹ đã về đến Việt Nam
Lô hàng viện trợ thiết bị y tế đã đến Tân Sơn Nhất sáng 13-8.
Sáng 13/8, lô hàng viện trợ của Chính phủ Thụy Sỹ, gồm 30 máy thở, 500.000 test xét nghiệm kháng nguyên, 300.000 khẩu trang phẫu thuật với tổng trị giá khoảng 4,9 triệu Franc Thụy Sỹ, tương đương 126 tỷ đồng, đã về đến Việt Nam.
Tất cả trang thiết bị vật tư trong lô hàng viện trợ từ Chính phủ và nhân dân Thụy Sỹ sau khi tiếp nhận sẽ được chuyển đến kho dã chiến của Bộ Y tế được thiết lập tại Bệnh viện Chợ Rẫy sau đó sẽ phân bổ đến các đơn vị để phục vụ công tác phòng chống dịch.
Bộ Công thương đề xuất cho doanh nghiệp vay vốn thu mua lúa, gạo
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vừa có văn bản hỏa tốc gửi Chính phủ kiến nghị về tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn, có hỗ trợ về lãi suất cho các doanh nghiệp trong việc thu mua thóc, gạo hàng hóa cho nhân dân.
Cụ thể, để tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc, gạo cho nông dân, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có hỗ trợ nhất định về lãi suất cho các doanh nghiệp; và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm sẽ thu mua.
Ngành hàng lúa gạo đang gặp khó khăn, đồng nghĩa với hàng chục triệu hộ nông dân đang gặp khó, hỗ trợ doanh nghiệp để tăng tốc thua mua thóc, gạo cũng chính là hỗ trợ nông dân trong thời điểm hiện nay.
IEA hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2021 do biến thể Delta
Ngày 12/8, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu từ nay đến cuối năm sẽ tăng chậm hơn so với dự báo trước đó do biến thể Delta hoành hành, buộc chính phủ các nước tiêu thụ nhiều dầu mỏ trên thế giới phải thực hiện các biện pháp hạn chế hoạt động.
Theo báo cáo hằng tháng của IEA, cơ quan này dự báo nhu cầu dầu mỏ năm 2021 tăng thêm 5,3 triệu thùng/ngày lên 96,2 triệu thùng/ngày, giảm 300.000 thùng/ngày so với mức dự báo trước đó. IEA cũng cho biết sản lượng khai thác dầu toàn cầu dự kiến tiếp tục tăng sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) nhất trí tăng sản lượng.
IEA quyết định hạ triển vọng về nhu cầu dầu mỏ từ nay đến cuối năm do tình hình dịch bệnh diễn biến xấu hơn. Các biện pháp hạn chế để phòng dịch tại một số nước tiêu thụ nhiều dầu mỏ, đặc biệt ở châu Á, dự kiến sẽ khiến hoạt động đi lại cũng như lượng sử dụng dầu mỏ đi xuống.
Theo báo cáo, nhu cầu dầu mỏ tăng mạnh trong tháng 6 vừa qua do người dân tại Bắc Mỹ và châu Âu gia tăng hoạt động. Tuy nhiên, xu hướng này “đột ngột” đi ngược lại vào tháng 7 khi biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh, làm gián đoạn hoạt động tại các nước Trung Quốc, Indonesia và nhiều nước khác ở châu Á.
PB(Tổng hợp)