* Giá vàng sáng 11/8 giảm 50.000 đồng/lượng
Thời điểm 8 giờ 47 phút, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 56,2 - 56,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối phiên hôm qua.
Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC không đổi so với chốt phiên hôm qua, ở mức 56,3 - 57,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 56,2 - 56,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng cả ở chiều mua vào và chiều bán ra so với đóng cửa phiên hôm qua.
* Sáng 11/8, tỷ giá trung tâm giảm 9 đồng
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 11/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.178 VND/USD, giảm 9 đồng so với hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.873 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.482 VND/USD.
* Tại các ngân hàng thương mại, sáng nay giá USD đồng loạt giảm mạnh.
Lúc 8 giờ 25 phút, tại Vietcombank, giá USD giảm 50 đồng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cùng thời điểm hôm qua, niêm yết ở mức 22.750 - 22.980 VND/USD (mua vào - bán ra).
Giá đồng NDT tại Vietcombank giảm 6 đồng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cùng thời điểm hôm qua, niêm yết ở mức 3.456 - 3.601 VND/NDT (mua vào - bán ra).
* Giá dầu thế giới tăng hơn 2%
Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,59 USD, hay 2,3%, lên 70,63 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,81 USD, hay 2,7%, và đóng phiên ở mức 68,29 USD/thùng.
* Xuất khẩu máy tính, linh kiện, sản phẩm điện tử có thể đạt mốc 50 tỷ USD
Trong 7 tháng qua, Việt Nam đã sản xuất trên 128 triệu chiếc điện thoại di động. Ảnh minh họa.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều mặt hàng xuất khẩu sụt giảm nhưng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chủ lực như linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử vẫn tăng rất mạnh.
7 tháng năm 2021, xuất khẩu nhóm này đã mang về 27,4 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ, chỉ đứng sau điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 29,4 tỷ USD.
Xuất khẩu nhóm hàng này tăng mạnh là do nhu cầu thị trường tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến người lao động bắt buộc phải làm việc tại nhà. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự tính, xuất khẩu máy vi tính, linh kiện và sản phẩm điện tử cả năm 2021 có thể đạt khoảng 50 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2020.
* Tiêu thụ điện tại miền Nam giảm mạnh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội
Cụ thể, về công suất đỉnh, những ngày đầu tháng 7 khi chưa thực hiện giãn cách xã hội, công suất đỉnh tại khu vực miền Nam đạt từ 17.500-18.500 MW. Tuy nhiên, kể từ ngày 19/7 khi các tỉnh, thành phố phía nam thực hiện giãn cách xã hội, công suất đỉnh chỉ còn ở mức 13.300-13.500 MW, tương đương giảm 29% so với trước khi giãn cách xã hội.
Về sản lượng tiêu thụ điện trong ngày, vào những ngày đầu tháng 7, sản lượng tiêu thụ điện trung bình trong ngày là 326,8 triệu kWh (ngày cực đại đạt 367,3 triệu kWh), thì sản lượng tiêu thụ trung bình ngày sau ngày 19/7 chỉ đạt 263,2 triệu kWh, giảm khoảng 20%.
* Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp thu mua, tạm trữ thóc, gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 10/8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành công văn số 5747/NHNN-TD yêu cầu các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện ngay các giải pháp góp phần hỗ trợ các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo tại khu vực này.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ thóc, gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến thóc, gạo. Từ đó, góp phần giảm thiểu tình trạng ách tắc trong lưu thông, tồn ứ thóc gạo hiện nay tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
* Đồng ý thử nghiệm trên người thuốc điều trị Covid-19 VIPDERVIR
Ngày 10/8, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức buổi họp báo trực tuyến công bố kết quả nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19. Trước đó, ngày 7/8, Hội đồng Đạo đức (Bộ Y tế) đã thống nhất phê duyệt đề cương nghiên cứu lâm sàng thuốc từ dược liệu Việt Nam Vipdervir trên bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung tương.
Thuốc điều trị Covid-19 VIPDERVIR do nhóm nghiên cứu, đứng đầu là PGS.TS Lê Quang Huấn của Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp.
Thuốc VIPDERVIR có nguồn gốc hoàn toàn từ các dược liệu tại Việt Nam. Thuốc được đánh giá có khả năng ngăn cản sự bám dính của virus với tế bào chủ, làm mất khả năng xâm nhập của virus vào trong tế bào chủ.
Thuốc cũng có khả năng ức chế khả năng nhân lên của vi rút trong tế bào, nghĩa là đối với những hạt virus đã xâm nhập vào bên trong tế bào chủ cũng sẽ mất khả năng tăng sinh. Thuốc còn có khả năng kích hoạt các tế bào miễn dịch để chúng nhận biết, phong tỏa và loại trừ các hạt virus.
GS.TS Lê Quang Huấn, Chủ nhiệm đề tài khẳng định, kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng đã chứng minh tính an toàn và khả năng ức chế phát triển SARS-CoV-2 cũng như tăng cường miễn dịch. Đây là cơ sở sở khoa học quan trọng để chúng tôi đề nghị tiếp tục nghiên cứu hiệu quả điều trị Covid-19 trên người bệnh ở giai đoạn lâm sàng.
TikTok vượt Facebook trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất năm 2020
Công ty khảo sát dữ liệu thị trường App Annie ngày 10/8 cho biết TikTok đã vượt Facebook và các nền tảng nhắn tin của trang mạng xã hội này để trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên thế giới trong năm 2020.
TikTok, thuộc sở hữu của công ty công nghệ ByteDance của Trung Quốc, được cho là đã có một tỷ người dùng trên toàn thế giới, trong đó có hơn 100 triệu người dùng ở Mỹ. Những video ngắn trên nền tảng này đặc biệt được đối tượng người dùng điện thoại thông minh (smartphone) trẻ tuổi yêu thích.
Theo dữ liệu của App Annie, bất chấp những tranh cãi chính trị về TikTok, ứng dụng chia sẻ video này vẫn “leo” từ vị trí ứng dụng được tải xuống nhiều thứ tư trong năm 2019 lên đầu bảng trong năm 2020, “vượt mặt” Facebook và hai ứng dụng nhắn tin của “gã khổng lồ này là Messenger và WhatsApp.
Sự phổ biến của TikTok đã khiến ứng dụng Instagram của Facebook phải thêm những tính năng về video để bắt kịp xu hướng đang được yêu thích này. Trong khi đó, TikTok hồi tháng trước đã bắt đầu cho phép người dùng đăng các đoạn video dài đến ba phút, tức dài gấp ba lần giới hạn trước đây, để đi trước các đối thủ.
PB(Tổng hợp)