Tin kinh tế tổng hợp

* Việt Nam - Lào nhất trí đẩy mạnh hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư và năng lượng

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith, sáng ngày 9/8/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đến thủ đô Viêng Chăn bắt đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Ngay sau Lễ đón chính thức và cuộc gặp xã giao với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã chủ trì cuộc hội đàm giữa hai Đoàn đại biểu cấp cao hai nước. Trong bầu không khí thắm tình hữu nghị, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; trao đổi về các chủ trương, biện pháp nhằm tiếp tục đưa quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào phát triển đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất; đồng thời trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

Sau hội đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith đã chứng kiến lễ ký kết và trao các văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước.

Nhân dịp này, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào một công trình trường dạy nghề tại tỉnh Khăm Muộn trị giá 5 triệu USD.

Danh sách các thỏa thuận hợp tác được trao:

1. Hợp đồng hợp tác khai thác, chế biến quặng vàng, đồng, ni-ken, bạc và sắt tại huyện Bo-li-khăn, tỉnh Bo-ly-khăm-xay giữa Công ty TNHH CAVICO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào.

2. Biên bản ghi nhớ về tìm kiếm, thăm dò thiếc tại bản Nậm-sảng, tỉnh Bo-ly-khăm-xay giữa Công ty cổ phần Khoáng sản Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào.

3. Biên bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu mua bán điện từ cụm Nhà máy thủy điện Nậm U và Nhà máy thủy điện Nậm Ngừm 4 giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty Điện lực quốc gia Lào.

4. Biên bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu mua bán điện từ cụm Dự án thủy điện Nậm Chiên giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty EDL Generation;

5. Biên bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu mua bán điện từ Nhà máy thủy điện Sê Công 5, Nhà máy thủy điện Nậm Ngone 1 và Nhà máy thủy điện Nậm Ngone 2 giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Phong-sắp-tha-vi;

6. Bản ghi nhớ về hợp tác thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tại Lào giữa Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam với Tập đoàn Phong-sắp-tha-vi;

7. Bản ghi nhớ về nghiên cứu khả thi Dự án thủy điện Nậm Mạ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào và Liên doanh nhà đầu tư gồm Công ty Trung Sơn, Công ty Mekong, Tập đoàn Phong-sắp-tha-vi.

* Giá vàng sáng 10/8 diễn biến trái chiều

Sáng 10/8, giá vàng trong nước diễn biến trái chiều, trong khi trước đó giá vàng thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong hơn bốn tháng qua.

Thời điểm 8 giờ 45 phút, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 56,25 - 56,97 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối phiên hôm qua.

Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC không đổi so với chốt phiên hôm qua, ở mức 56,3 - 57,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 56,2 - 56,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50 nghìn đồng/lượng cả ở chiều mua vào và chiều bán ra so với đóng cửa phiên hôm qua.

Trước đó, giá vàng thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong hơn bốn tháng qua trong phiên giao dịch 9/8. Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 2,1% xuống 1.725,96 USD/ounce. Giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ cũng giảm 2,1% xuống đóng cửa ở mức 1.726,50 USD/ounce.

* Tỷ giá trung tâm sáng 10/8 tăng 14 đồng

Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 10/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.187 VND/USD, tăng 14 đồng so với hôm qua.

Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.882 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.491 VND/USD.

Tại các ngân hàng thương mại, sáng nay giá USD và Nhân dân tệ (NDT) cùng giảm nhẹ.

Lúc 8 giờ 25 phút, tại Vietcombank, giá USD không đổi so với cùng thời điểm hôm qua, niêm yết ở mức 22.800 - 23.030 VND/USD (mua vào - bán ra).

Giá đồng NDT tại Vietcombank giảm 3 đồng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cùng thời điểm hôm qua, niêm yết ở mức 3.462 - 3.607 VND/NDT (mua vào - bán ra).

* Giá dầu thế giới giảm phiên 9/8 do những lo ngại về nhu cầu

Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng Chín giảm 1,8 USD, hay 2,6%, xuống 66,48 USD/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 10/2021 giảm 1,66 USD, hay 2,3%, xuống 69,04 USD/thùng tại Sàn London ICE Futures.

Hơn 203.000 bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 đã về đến TP Hồ Chí Minh

Chiều 9/8, hơn 203.000 bộ xét nghiệm nhanh COVID-19, tương đương 4,5 tấn hãng đã được Vietnam Airlines vận chuyển miễn phí trên chuyến bay VN30 từ Frankfurt (Đức), hạ cánh tại TP Hồ Chí Minh. Đây là lô hàng thứ 2 trong số 1 triệu bộ xét nghiệm nhanh do Chính phủ Đức trao tặng Chính phủ Việt Nam hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19.

Các loại kit xét nghiệm nhanh COVID-19 trên đã được Viện Dược phẩm và các thiết bị y tế Đức (BfArM) phê chuẩn sử dụng tại Đức. Đây là lô hàng quyên góp viện trợ với tổng giá trị khoảng 560.000 Euro. Số hàng này sẽ được phân bổ cho TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, hai điểm nóng bị ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch COVID-19 thứ 4 tại Việt Nam.

* Nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi được ra đường đi làm sau 18 giờ

TP Hồ Chí Minh cho phép nhân viên các siêu thị, cửa hàng tiện lợi được ra đường để đến nơi làm sau 18 giờ.

UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản cho phép nhân viên thuộc chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi được phép ra đường từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau để đến chỗ làm sắp xếp hàng hóa, chuẩn bị công tác hậu cần, vệ sinh khử khuẩn...

Ngày 9/8, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã ký văn bản khẩn về việc quy định thời gian lưu thông của nhân viên các hệ thống phân phối hiện đại trong mùa dịch.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh chấp thuận đề xuất của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh về chủ trương cho một số nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi được phép lưu thông trên đường từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau để chuẩn bị công tác hậu cần, sắp xếp hàng hóa và vệ sinh, khử khuẩn khu vực kinh doanh.

UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Công thương phối hợp với các cơ quan xác nhận danh sách nhân viên được phân công nhiệm vụ; tích hợp danh sách này vào hệ thống trên cổng thông tin của Sở Công thương nhằm quản lý, truy xuất và đối chiếu khi lực lượng chức năng kiểm tra.

Căn cứ danh sách do Sở Công thương xác nhận, người đứng đầu các hệ thống siêu thị, cửa hàng bình ổn, cửa hàng tiện lợi cấp thẻ công tác hoặc giấy xác nhận công tác cho những nhân viên này.

Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp UBND thành phố Thủ Đức và quận, huyện chỉ đạo các trạm, chốt đảm bảo lưu thông cho nhân viên thuộc hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi theo danh sách do Sở Công thương xác nhận.

* Ngân sách Trung ương và địa phương ưu tiên chi cho phòng, chống dịch

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ngân sách Trung ương đã chi 4,2 nghìn tỷ đồng từ dự phòng năm 2021 để bổ sung kinh phí cho các bộ, ngành, còn các địa phương đã chi gần 2,4 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch.

Cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, Trung ương đã chi 4,2 nghìn tỷ đồng từ dự phòng năm 2021 để bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế mua vaccine, các vật tư, hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 (1.799 tỷ đồng); chi kinh phí phòng chống dịch cho Bộ Công an (389 tỷ đồng); Bộ Quốc phòng (1.553 tỷ đồng) và hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 cho các địa phương (471 tỷ đồng). Các địa phương đã chi gần 2,4 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch.

* Nợ thuế ước gần 117.000 nghìn tỷ đồng

Theo Tổng cục Thuế, tính đến ngày 31/7/2021, tổng số tiền nợ thuế ngành thuế quản lý ước khoảng 116.891 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 22,8% so với thời điểm ngày 31/12/2020, tăng 0,8% so với thời điểm ngày 30/6/2021.

Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý, trình các cấp có thẩm quyền xử lý xóa nợ, miễn giảm, gia hạn, nộp dần tiền thuế và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm 31/7/2021 là 105,997 nghìn tỷ đồng, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 28,5% so với thời điểm ngày 31/12/2020 và tăng 0,6% so với thời điểm ngày 30/6/2021.

Trong tổng số nợ thuế trên, theo phân tích của Tổng cục thuế, nợ thuế có khả năng thu khoảng 60,3 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 51%. Số còn lại là tiền thuế không có khả năng thu hồi trên 25 nghìn tỷ đồng và tiền thuế nợ đang xử lý xóa, giảm, gia hạn...

Về công tác thu nợ thuế, 7 tháng đầu năm, toàn ngành thực hiện thu hồi nợ đọng đạt 18.802 tỷ đồng, đạt 62,5% chỉ tiêu thu nợ giao.

* 7 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài tiếp tục tăng

Các con số về đầu tư ra nước ngoài, vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tiếp tục cho thấy những diễn biến tích cực của dòng vốn này.

Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 570,1 triệu USD, tăng gần 2,3 lần so với cùng kỳ. Trong đó, có 28 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới (tổng vốn đăng ký 145,3 triệu USD, bằng 70,4% so với cùng kỳ) và 11 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư (tổng vốn tăng thêm là 424,8 triệu USD, tăng 9,1 lần so với cùng kỳ).

Như vậy, bất chấp Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp Việt vẫn dốc vốn đầu tư ra nước ngoài. Đây là một tín hiệu tích cực, cho thấy sức bền bỉ, cũng như nỗ lực của các doanh nghiệp Việt trong việc mở rộng thị trường ra nước ngoài.

Trong số đó, nỗ lực của Tập đoàn Vingroup là rất đáng kể. Kể từ đầu năm tới nay, đúng hơn là chỉ trong tháng 3/2021, Vingroup đã đăng ký đầu tư 4 dự án ra nước ngoài, ở Pháp, Hà Lan, Canada và Singapore; tăng vốn đầu tư ở Mỹ, Đức, với tổng cộng gần 450 triệu USD. Trong đó, riêng phần vốn đầu tư thêm ở Mỹ lên tới 300 triệu USD.

Như vậy, sau các tập đoàn lớn của Việt Nam, như Viettel, Vinamilk, TH…, đến lượt Vingroup quyết tâm “mang chuông đi đánh xứ người”. Các khoản đầu tư lớn này đã cho thấy, Vingroup đã nuôi tham vọng lớn ở thị trường nước ngoài như thế nào. Đó là một trong những lý do khiến vốn đầu tư ra nước ngoài tăng tốc trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, vẫn có một thực tế phải thừa nhận, sự tăng tốc này là so với năm ngoái, khi tình hình đầu tư ra nước ngoài đã tăng chậm lại đáng kể. Xét về con số tuyệt đối, 7 tháng đầu năm, vốn đầu tư ra nước ngoài chỉ đạt 570 triệu USD, không phải quá lớn.

Thêm vào đó, thực tế là vốn đầu tư mới chỉ đạt 145,3 triệu USD, giảm 29,6% so với cùng kỳ. Rõ ràng, Covid-19 cũng đang “làm khó” doanh nghiệp Việt trong thực hiện chiến lược mở rộng đầu tư ra nước ngoài.

* LHQ cảnh báo về hậu quả của việc sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch

Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 9/8 cho biết, cần có một báo cáo khoa học về khí hậu, qua đó "phải gióng lên hồi chuông báo tử" cho các loại nhiên liệu như than đá, dầu và khí đốt, đồng thời cảnh báo rằng nhiên liệu hóa thạch đang hủy hoại Trái Đất.

Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) kết luận rằng, mục tiêu hạn chế nhiệt độ ấm lên toàn cầu trong phạm vi 1,5 độ C so với mức tiền công của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có thể sẽ bị vi phạm vào khoảng năm 2030, sớm hơn một thập niên so với dự kiến mà chính ủy ban này đưa ra cách đây ba năm.

Vào giữa thế kỷ này, ngưỡng tăng nhiệt độ thêm 1,5 độ C sẽ bị vượt quá trên diện rộng. Bởi vậy, ông Guterres nói rằng cần phải có "hành động ngay lập tức" để giảm phát thải carbon trong lĩnh vực năng lượng.

Theo ông Guterres, việc duy trì mục tiêu tăng nhiệt độ 1,5 độ C tới năm 2030 có nghĩa là các nước không được xây dựng các nhà máy than đá mới và tất cả năng lượng từ việc đốt than phải được bù đắp bằng các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2040.

Ông Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đảm bảo Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26, dự kiến diễn ra vào tháng 11/2021, sẽ mang lại kết quả là tăng cường việc cắt giảm khí thải và cung cấp tài chính cho các quốc gia đang đối phó với hệ lụy từ tình trạng ấm lên toàn cầu.