Mô tả cây
Cây nhỏ cao chừng 4m, vỏ thân xám nâu, cành nhỏ không có lông. Lá đơn, mọc đối, có cuống ngắn, phiến lá hình trứng dài 5-7cm, rộng 3-4,5cm, đầu nhọn, đáy tròn, mép nguyên, 5-7 đôi gân phụ. Hoa nở trước lá, mọc thành tán. Hoa nhỏ, màu vàng, 4 lá đài, 4 cành tràng, 4 nhị, bầu hạ. Quả hạch hình trái xoan, dài 1,2-1,5cm, đường kính 7mm, khi chín có màu đỏ tươi, nhẵn, nhưng khi khô nhăn nheo hình mạng, cuống quả dài 1,5-2cm. Hạch hình trứng. Mùa hoa tháng 5-6, mùa quả tháng 8-10.
Công dụng và liều dùng
Theo tài liệu cổ, sơn thù du có vị chua, sáp, tính hơi ôn, vào hai kinh can và thận. Có tác dụng ôn bổ can thận, sáp tính, chỉ hàãn (làm cho tíinh khí bền, cầm không ra mồ hôi). Thường dùng chữa di tinh, tiểu tiện ra tinh dịch, tiểu tiện nhiều lần, kinh nguyệt không đều, không ra, mồ hôi trộm.
Hiện nay thường người ta vẫn dùng sơn thù du theo những kinh nghiệm cổ trong những đơn thuốc gồm nhiều vị như bài thuốc lục vị hay lục vị địa hoàng hoàn để chữa những người tính khí không kiên, hay đi tiểu, tai ù điếc do tuổi già hay do thận kém, mắt vàng do can hư. Ngoài ra theo nghiên cứu mới, người ta còn dùng vỏ cây sơn thù du chữa sốt rét, vị sơn thù du làm thuốc thu liễm, thuốc bổ.
Liều dùng: Mỗi ngày dùng 6 đến 12g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc ngâm rượu dùng riêng hay phối hợp với nhiều vị thuốc khác.
Đơn thuốc có sơn thù du trong nhân dân
Chữa thận hư, tai ù: Sơn thù du, thạch xương bồ, địa hoàng, cam cúc hoa, hoàng bá, ngũ vị tử, các vị đều nhau 6g sắc uống hàng ngày hay ngâm rượu uống. Uống trong thời gian 15 hôm lại nghỉ 10 ngày rồi uống tiếp 3 đến 5 lần.
Chữa đau xương óc: Theo quan niệm trong Đông y, óc là bể chứa tủy có đầy thì mới khỏi đau: Sơn thù du, sữa người, sa uyển, tật lê, thục địa hoàng, nhân sâm, mạch môn, ngưu tất, cam cúc hoa, các vị bằng nhau, mỗi vị 4g, sắc uống hàng ngày. Uống luôn trong 20 ngày.
Đức Doãn (Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).