* Giá vàng có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới
Tính chung cả tuần, các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh giá vàng SJC tăng 270 nghìn đồng/lượng. Chốt phiên cuối tuần 10/7, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 56,75 - 57,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trước đó, giá vàng trong nước ghi nhận tăng nhẹ trong những phiên giao dịch sáng đầu tuần từ ngày 5-6/7. Sáng ngày 7-8/7, giá vàng trong nước ghi nhận những phiên đi ngang và giao dịch quanh 57,4 triệu đồng/lượng. Nhưng đến sáng 9/7, các doanh nghiệp điều chỉnh giá vàng trái chiều, với mức điều chỉnh không quá 50.000 đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng tăng trong ngày 9/7 và ghi nhận tuần giao dịch tốt nhất trong 7 tuần, khi thị trường lo ngại rằng sự lây lan biến thể Delta của virus gây dịch COVID-19 có thể làm chậm đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.810,99 USD/ounce vào lúc 1 giờ 44 phút sáng 10/7 (theo giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,6% lên mức 1.810,6 USD/ounce.
* Nợ thuế giảm nhưng thu hồi gặp khó vì COVID-19 bùng phát
Theo Tổng cục Thuế, tính đến ngày 30/6, tổng tiền nợ thuế mà ngành Thuế đang quản lý là 115.983 tỷ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù tổng nợ thuế giảm nhưng việc thu hồi đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh COVID-19.
Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý (đang trình cấp có thẩm quyền xóa nợ, miễn giảm, gia hạn, nộp dần tiền thuế) và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện, tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm ngày 30/6 là 105.315 tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu là 80.037 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái, gồm: Các khoản nợ thuế, phí là 38.982 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ; các khoản nợ liên quan đến đất là 21.063 tỷ đồng, tăng 40,7% so với cùng kỳ; tiền phạt và tiền chậm nộp phát sinh của nợ có khả năng thu (tính 0,03%/ngày trên số thuế chậm nộp) là 19.992 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ.
Lũy kế đến 30/6, toàn ngành Thuế thu hồi nợ thuế ước đạt 16.302 tỷ đồng, bằng 54,2% chỉ tiêu thu nợ được giao. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 11.012 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 5.290 tỷ đồng.
* Bắc Giang thu hơn 6.800 tỷ đồng từ vụ vải thiều năm 2021
Tổng sản lượng tiêu thụ vải thiều toàn tỉnh đạt trên 215.000 tấn, tăng trên 50.000 tấn so với vụ năm 2020. Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ của tỉnh Bắc Giang đạt trên 6.800 tỷ đồng.
Vải thiều Bắc Giang có giá bán bình quân cả vụ ước đạt 19.800 đồng/kg; tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt trên 126.000 tấn (chiếm khoảng 58,6%) và xuất khẩu trên 89.000 tấn (chiếm 41,4% tổng sản lượng tiêu thụ). Vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường truyền thống Trung Quốc và các quốc gia, khu vực: EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á, khu vực Trung Đông…
Vải thiều Bắc Giang được người tiêu dùng tại các thị trường khó tính trên thế giới như: Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức và một số nước EU… đánh giá cao về chất lượng. Giá xuất khẩu ổn định ở mức cao, dao động từ 30.000 - 55.000 đồng/kg; riêng ở các nước Nhật Bản, Pháp, Đức, Hà Lan… giá bán ở mức rất cao, từ 350.000 - 450.000 đồng/kg.
* TP Hồ Chí Minh triển khai 9 giải pháp lưu thông hàng hóa trong 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 2.833 điểm cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong mùa dịch; trong đó có 106 siêu thị, 2.616 cửa hàng tiện lợi, 111 chợ truyền thống đang hoạt động. Ngoài ra, Thành phố còn có hệ thống các cửa hàng tạp hoá trên địa bàn quận, huyện, phường, xã, thị trấn.
Để thực hiện “mục tiêu kép”, đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai 9 giải pháp điều tiết hàng hoá. Theo đó, TP Hồ Chí Minh tổ chức theo dõi, nắm bắt kịp thời, chính xác diễn biến tình hình cung ứng hàng hóa và giá cả thị trường, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng tăng cường thông tin, tuyên truyền về công tác chuẩn bị, giải pháp cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ người dân trên địa bàn; hạn chế tình trạng người dân tụ tập mua gom, tích trữ hàng hóa.
* Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 8.079 tỷ đồng
Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17h ngày 10/7 quỹ đã tiếp nhận được 8.079 tỷ VND (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi).
Số tiền đã chuyển vào quỹ kể trên do 421.793 tổ chức, cá nhân tham gia đóng.
Theo Bộ Tài chính, cuộc vận động ủng hộ Quỹ vaccine rất hiệu quả, đã nhận được số tiền ủng hộ lớn, đây là nguồn lực quan trọng để Bộ Y tế mua, tiêm vaccine cho người dân, cộng đồng.
Từ nay đến cuối năm, theo kế hoạch sẽ tiêm được cho 75 triệu dân, nguồn lực cần khoảng 25.200 ỷ đồng; trong đó ngân sách đã chuẩn bị được hơn 14.000 tỷ đồng và cần thêm khoảng 11.000 tỷ đồng.
Hiện nay, Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã mở 21 tài khoản tiếp nhận cho 3 loại tiền VND, USD, EUR tại Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước và 6 ngân hàng thương mại gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, HDBank, Agribank và TPBank.
* Xuất khẩu của Ấn Độ có xu hướng tăng mạnh
Tờ Economic Times (Ấn Độ) số ra ngày 10/7 cho biết, xuất khẩu của Ấn Độ đạt 8,4 tỷ USD trong tuần đầu tiên của tháng 7/2021, tăng hơn 63% so với cùng kỳ năm trước, khi hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng do tình trạng đóng cửa trên toàn quốc.
Trong khi đó, nhập khẩu của Ấn Độ trong tuần đầu tiên của tháng Bảy đạt 11,5 tỷ USD, cao hơn 95% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu mới nhất của chính phủ.
Cũng theo các nguồn tin của Chính phủ Ấn Độ, tăng trưởng xuất khẩu được dẫn đầu bởi các sản phẩm xăng dầu, tăng 65% do giá thế giới tăng cao, trong khi giá trị của hàng hóa kỹ thuật và hóa chất vô cơ được vận chuyển đi từ nước này lần lượt tăng 50% và 36%. Một số khoản tăng được bù đắp do xuất khẩu da và đồ da giảm 16% và hàng điện tử (giảm 4%). Trong khi đó, các lô hàng đến Trung Quốc tăng vọt cùng với các lô hàng đến Mỹ và Indonesia (In-đô-nê-xi-a).
Nhập khẩu gia tăng chủ yếu do nhập khẩu các mặt hàng như vàng, dầu thô và dầu thực vật tăng cao trong bối cảnh giá thế giới cao hơn.
Chính phủ Ấn Độ tỏ ý lạc quan về xuất khẩu trong năm nay và đặt mục tiêu tăng 25% để xuất khẩu vượt 400 tỷ USD./.
* G20 cảnh báo nguy cơ đe dọa sự phục hồi toàn cầu
Ngày 10/7, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã cảnh báo nguy cơ đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu do sự gia tăng các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và khả năng khó tiếp cận vaccine ở các nước đang phát triển.
Thông cáo chính thức của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 cho biết triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện kể từ các cuộc đàm phán G20 vào tháng 4/2021 nhờ việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine và các gói hỗ trợ kinh tế, nhưng thừa nhận sự mong manh của sự phục hồi đó khi thế giới phải đối mặt với các biến thể như Delta lây lan nhanh.
Thông cáo viết: "Đặc trưng của sự phục hồi này là sự khác biệt lớn giữa và ở bên trong các quốc gia và vẫn có nguy cơ suy thoái tiềm ẩn, đặc biệt là sự lây lan của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và các giai đoạn tiêm chủng khác nhau. Chúng tôi tái khẳng định quyết tâm sử dụng tất cả các công cụ chính sách có sẵn trong thời gian cần thiết để giải quyết các hậu quả bất lợi của COVID-19”, phù hợp với việc duy trì sự ổn định về giá cả và tài chính công.
Thông cáo này, trong khi nhấn mạnh sự ủng hộ đối với việc "chia sẻ vaccine công bằng trên toàn cầu", đã không đề xuất các biện pháp cụ thể, mà chỉ ghi nhận khuyến nghị lập quỹ mới tài trợ cho vaccine trị giá 50 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Sự khác biệt về tỷ lệ tiêm chủng giữa nước giàu và nước nghèo trên thế giới vẫn rất lớn. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã gọi sự khác biệt này là một "sự phẫn nộ về mặt đạo đức", làm suy yếu những nỗ lực lớn hơn để hạn chế sự lây lan của virus. Trong khi một số quốc gia giàu nhất hiện đã tiêm cho hơn 2/3 công dân của họ ít nhất
PB (Tổng hợp)