Từ ngày 9/7, phân luồng xanh cho xe chở hàng thiết yếu vào thành phố
Tối ngày 8/7, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo để cung cấp thông tin về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại TP Hồ Chí Minh.
Tại cuộc họp, nhiều phóng viên đã đặt những câu hỏi thắc mắc liên quan đến việc TP Hồ Chí Minh tạm ngưng các hoạt động kinh doanh ăn uống mang về, dịch vụ giao hàng, việc cung ứng hàng hóa thiết yếu, giải quyết hồ sơ của người dân, điều kiện ra vào thành phố… được triển khai như thế nào.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục cho siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng cung cấp sản phẩm thiết yếu được hoạt động để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân. Ảnh: TTBC
Trả lời vấn đề này, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, từ 0 giờ ngày 9/7, TP Hồ Chí Minh sẽ tạm ngưng tất cả các hoạt động không cần thiết. Đối với cơ quan nhà nước, ngưng các cuộc họp không cần thiết, không nhận hồ sơ trực tiếp, chỉ nhận hồ sơ trực tuyến (trừ một số thủ tục hồ sơ đặc biệt). Đối với giao thông, hạn chế giao thông không cần thiết nhưng vẫn đảm bảo lưu thông hàng hóa, cung ứng những mặt hàng thiết yếu cho đời sống và sản xuất.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tiếp tục cho siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng cung cấp sản phẩm thiết yếu được hoạt động để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân. Trong đó, các đơn vị liên quan phải duy trì nguồn cung ứng để bà con yên tâm mua sắm hàng hóa thiết yếu trong mùa dịch. Hiện nay, những siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn đảm bảo dồi dào nguồn hàng, các chợ truyền thống đảm bảo an toàn vẫn được duy trì để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân. Đối với hoạt động giao thông, các dịch vụ vận chuyển bằng xe mô tô, vận chuyển hàng hóa không chở người vẫn được duy trì hoạt động.
Theo ông Dương Anh Đức, trước đây, trong Chỉ thị 10, Thành phố đã cấm buôn bán tại chỗ, trong đợt giãn cách này, Thành phố sẽ cấm luôn việc bán mang về để thực hiện nghiêm công tác phòng dịch. Đối với các hoạt động từ thiện như phát cơm, hỗ trợ người nghèo... vẫn được hoạt động khi tuân thủ các quy định phòng dịch như tổ chức ngăn nắp, trật tự, đảm bảo không tụ tập quá 2 người...
Trả lời thắc mắc của phóng viên về điều kiện để lái xe vận chuyển hàng hoá từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh và từ các tỉnh đến TP Hồ Chí Minh, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã thống nhất với các tỉnh sẽ tiếp nhận danh sách xe và lái xe chở hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm; xe đưa rước công nhân, chuyên gia; xe phục vụ ra vào cảng; xe tải quá cảnh qua TP Hồ Chí Minh... để phân luồng xanh khi ra, vào thành phố.
Theo ông Trần Quang Lâm, tại TP Hồ Chí Minh, Sở Công thương và các hệ thống cung ứng hàng hóa sẽ quản lý danh sách các phương tiện và lái xe này.
Sở Giao thông vận tải sẽ đứng ra tiếp nhận phương tiện cùng với lái xe cố định, đủ điều kiện và sẽ thông báo cho các tỉnh cấp giấy phép lưu thông, đồng thời cấp mã QR dán trước các xe này. Khi đi qua chốt kiểm tra, nếu xe có mã QR nhận diện sẽ được tổ chức đi theo làn luồng xanh ưu tiên nhằm đảm bảo không ùn ứ.
"Tuy nhiên, lái xe điều khiển các phương tiện thuộc nhóm ưu tiên nói trên phải có giấy xét nghiệm COVID-19 theo đúng quy định; đồng thời phải có thông báo được hoạt động của Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh và các giấy tờ cần thiết của lái xe, đơn vị", ông Trần Quang Lâm cho biết.
Nguồn hàng dồi dào, người dân không cần tích trữ
Trả lời thông tin về tình hình chuẩn bị nguồn cung cũng như đảm bảo giá cả hàng hóa cho người dân khi TP Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16 từ ngày 9/7, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay nguồn cung hàng hóa về TP Hồ Chí Minh qua kênh truyền thống là 3 chợ đầu mối, kênh phân phối hiện đại, cửa hàng lương thực thực phẩm (LTTP) và lực lượng nòng cốt là doanh nghiệp (DN) bình ổn thị trường.
“Riêng DN bình ổn thị trường, chúng tôi đã tính toán các phương án, kịch bản cho những tình huống cần lượng hàng hóa tăng cao như những dịp lễ, tết hoặc thời điểm như hiện nay. Các DN hiện đã thực hiện đúng chỉ đạo của Sở Công thương là tăng lượng hàng dự trữ lớn từ hai đến ba lần; trong đó, các DN như Saigon Co.op, Satra đảm bảo nguồn hàng dự trữ này tối thiểu một tháng, Saigon Co.op dự trữ đến ba tháng”, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết.
Nguồn cung hàng hóa dồi dào, người dân không cần đổ xô đi mua các mặt hàng thiết yếu trong mùa dịch như những ngày qua.
Cũng theo ông Nguyễn Nguyên Phương, hiện nay 3 chợ đầu mối đang tạm dừng hoạt động và Sở đang phối hợp với quận, huyện mà các chợ này đóng trên địa bàn để tìm những mặt bằng, vị trí phù hợp nhằm tổ chức làm điểm trung chuyển hàng hóa cho thương nhân tập kết hàng, sau đó sẽ chuyển sang các xe nhỏ đưa về chợ nhỏ lẻ.
Đối với các kênh mua sắm hiện đại, khi nhu cầu mua sắm người dân tăng cao, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi sẽ tăng thời gian bán hàng lên. Theo đó, tùy siêu thị sẽ mở cửa từ 6 giờ sáng, đóng cửa vào 11 hoặc 12 giờ đêm. Riêng hệ thống Bách Hóa Xanh sẵn sàng mở cửa 24/24, phục vụ cho đến người khách cuối cùng mới đóng cửa.
"Qua việc thực hiện đó cộng với lượng hàng dự trữ đầy đủ như vậy, người dân không có gì phải lo lắng, sợ thiếu hàng và không nên đổ xô đi tích trữ hàng hóa như những ngày vừa qua. Hiện nay, Thành phố đã tạo mọi điều kiện để các hệ thống phân phối được hoạt động tốt, Sở Công thương cũng đang phối hợp với các quận, huyện rà soát, đẩy nhanh tiến độ mở cửa trở lại các chợ truyền thống để đảm bảo phục vụ cho người dân”, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết.
Các mặt hàng thịt lợn luôn được tiếp tế dồi dào trong các siêu thị để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Giá cả trong các siêu thị cũng không tăng so với chợ truyền thống.
Về việc giá cả tại các chợ truyền thống tăng cao, ông Nguyễn Nguyên Phương cho hay, các DN bình ổn thị trường, kênh siêu thị, cửa hàng thực phẩm cam kết giữ ổn định giá, giá cả không có gì biến động. "Việc giá cả biến động tăng ở các chợ truyền thống nguyên nhân là do lượng hàng về giảm ở kênh này. Mặt khác, giá hàng hoá tăng là do vừa qua giá xăng dầu điều chỉnh tăng, chi phí vận chuyển từ các tỉnh về TP Hồ Chí Minh cũng tăng do các địa phương áp dụng biện pháp kiểm soát, yêu cầu DN phải xét nghiệm cho tài xế và phụ xe. Đặc biệt, trước đây, lượng hàng hóa được đưa về TP Hồ Chí Minh trên các phương tiện vận tải với tải trọng lớn, hiện nay chuyển qua các xe tải nhỏ để chở về các chợ nhỏ đã khiến chi phí trên mỗi đơn vị sản phẩm tăng lên. Cộng với việc số lượng người mua tăng cao đột biến trong khi người bán do tâm lý sức mua thị trường yếu không dám nhập hàng về nhiều dẫn đến khan hàng và họ tăng giá bán", ông Nguyễn Nguyên Phương lý giải.
“Người dân không nên mua dự trữ tại thời điểm này, thời điểm này chúng ta càng đi mua dự trữ càng làm cho giá hàng hóa tăng lên, càng bị nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khi chen chúc đông người”, ông Phương cảnh báo.
Theo TTXVN/Báo Tin tức