* Giá vàng trong nước sáng 9/7 giao dịch ở mức 57,6 triệu đồng/lượng
Tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,9 - 57,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên ở chiều mùa vào và tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC giảm 50.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua, ở mức 56,9 - 57,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường thế giới, giá vàng giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 8/7, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.799,18 USD/ounce vào lúc 1 giờ 12 phút sáng 9/7 (theo giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng giảm 0,1% xuống 1.800,20 USD/ounce.
* Tỷ giá trung tâm sáng 9/7 tăng 11 đồng
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 9/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.201 VND/USD, tăng 11 đồng so với hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.897 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.505 VND/USD.
Lúc 8 giờ 30 phút, giá USD tại Vietcombank giảm 11 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với hôm qua, niêm yết ở mức 22.880 - 23.110 VND/USD (mua vào - bán ra).
Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.474 - 3.619 VND/NDT (mua vào - bán ra), giảm 11 đồng ở chiều mua vào và 12 đồng ở chiều bán ra so với hôm qua.
* Những phương tiện nào được lưu thông qua TP Hồ Chí Minh?
Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 9/7, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đã có văn bản thông báo các loại hình vận chuyển được cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên lưu thông khi qua các khu vực kiểm soát phòng, chống dịch.
Theo đó, các phương tiện ưu tiên lưu thông là xe ô tô vận chuyển hàng hóa thiết yếu như: lương thực, thực phẩm như: gạo, mì gói, bún khô; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; rau củ quả; thủy hải sản,... từ các tỉnh đến địa bàn TP Hồ Chí Minh và ngược lại.
Xe ô tô vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, xe chở chuyên gia, công nhân từ các tỉnh đến địa bàn TP Hồ Chí Minh và ngược lại, phục vụ hoạt động của các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Xe ô tô vận chuyển hàng hóa ra vào các cảng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh từ các tỉnh đến thành phố và ngược lại.
Xe ô tô vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xe ô tô vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng hóa đến các cảng, khu công nghiệp; xe chở chuyên gia, công nhân của các khu chế xuất, khu công nghiệp lưu thông “quá cảnh” địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp hoặc UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện; đơn vị quản lý cảng tại TP Hồ Chí Minh; Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố sẽ là đầu mối tiếp nhận, tổng hợp đề nghị của các doanh nghiệp thuộc đối tượng nêu trên.
Về trình tự thực hiện, các đơn vị thực hiện việc số hóa công văn đề nghị kèm danh sách các thông số của phương tiện gửi về các cơ quan đầu mối. Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp nhận đề nghị từ các cơ quan đầu mối, kiểm tra và tiến hành giải quyết cho đơn vị trong thời gian không quá 24 giờ. Các doanh nghiệp gặp khó khăn vướng mắc có thể liên hệ số điện thoại 0933.656.488 để được hỗ trợ.
Sau khi các phương tiện được cấp giấy nhận diện, Sở Giao thông Vận tải đề nghị Công an TP Hồ Chí Minh, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố liên quan, cùng các lực lượng chức năng tạo điều kiện cho các xe ô tô được lưu thông thuận lợi qua việc kiểm tra thông tin thông qua mã QR trên giấy nhận diện.
Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải, người lái xe chịu trách nhiệm bảo đảm lưu thông đúng lộ trình và đúng mục đích; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
* Giá lợn hơi tại Đồng Nai thấp nhất gần 2 năm qua
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, khoảng 10 ngày qua, giá lợn hơi tại Đồng Nai liên tục giảm, hiện chỉ còn 54.000 đồng/kg – 55.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất trong gần 2 năm qua và nếu so với những tháng trước, giá lợn hơi đã giảm hơn 20.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai được coi là “thủ phủ” chăn nuôi ở Việt Nam. Lợn của Đồng Nai ngoài phục vụ thị trường trong tỉnh còn cung cấp cho các tỉnh, thành trong cả nước, nhiều nhất là Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đây, trung bình mỗi ngày Đồng Nai cung cấp cho các tỉnh, thành khoảng 6.000 con lợn; trong đó Thành phố Hồ Chí Minh từ 3.500 đến 4.000 con/ngày. Thời gian gần đây, lượng lợn Đồng Nai xuất đi các tỉnh, thành giảm mạnh, chỉ còn khoảng 4.000 con/ngày.
Giá lợn hơi giảm do thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn nhất của Đồng Nai là Thành phố Hồ Chí Minh đang giảm mạnh sức tiêu thụ, nhất là sau khi chợ đầu mối thịt lợn Tân Xuân (huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh) và nhiều chợ truyền thống khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phải tạm dừng hoạt động vì dịch COVID-19. Hiện mỗi ngày, lượng lợn Đồng Nai cung cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn khoảng 2.000 con.
Ngoài ra, để phòng, chống dịch COVID-19, nhiều tỉnh đề ra quy định kiểm tra nghiêm ngặt với người vào địa phương, điều này khiến thương lái ở Đồng Nai khó đưa lợn đến các tỉnh, thành khác. Dịch COVID-19 cũng khiến rất nhiều thương lái ở Đồng Nai phải cách ly, tạm dừng thu mua lợn hơi.
* Doanh nghiệp Đức tăng cường hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam
Ngày 8/7, tại bang Brandenburg của Cộng hòa Liên bang Đức, dưới sự chứng kiến của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ, nhà cung cấp cần cẩu Kocks Ardelt Kranbau của Đức đã ký hợp đồng cung cấp cần cẩu container với Công ty cổ phần cảng dịch vụ dầu khí Đình Vũ của Việt Nam.
Công ty Kocks Ardelt Kranbau là nhà cung cấp hàng đầu các loại cần cẩu bốc dỡ hàng hóa cho các cảng lớn tại Việt Nam như cảng Hải Phòng, Đình Vũ, Hạ Long, Đà Nẵng… Các sản phẩm tiêu biểu của Kocks Ardelt Kranbau đang được sử dụng tại Việt Nam như cẩu Tukan, cẩu Feederserver. Có mặt ở Việt Nam từ năm 1989, đến nay Kocks Ardelt Kranbau không chỉ cung cấp các sản phẩm thành phẩm cho Việt Nam mà còn hợp tác với một số doanh nghiệp như Công ty Lilama 18, Công ty TCTS sản xuất các loại cần cẩu để xuất sang nhiều nước khác, trong đó doanh nghiệp Đức cung cấp công nghệ sản xuất, hệ thống đào tạo và quản lý chất lượng cùng đội ngũ chuyên gia lành nghề hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam.
* Indonesia rơi xuống nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp
Sau một năm thăng hạng, Indonesia (In-đô-nê-xi-a) đã đánh mất vị thế quốc gia có thu nhập trung bình cao khi đại dịch COVID-19 làm đảo lộn các thành tích chống đói nghèo và tạo việc làm của quốc gia Đông Nam Á này.
Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ cấp Indonesia xuống nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp kể từ ngày 1/7/2021, với Tổng thu nhập quốc dân (GNI) trên đầu người là 3.870 USD.
Năm 2020, quốc gia này đã lần đầu tiên được WB xếp trong nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao khi GNI bình quân đầu người tăng từ mức 3.840 USD năm 2019 lên mức 4.050 USD.
WB phân loại các quốc gia dựa trên GNI bình quân đầu người theo 4 nhóm gồm các nước có thu nhập thấp (1.035 USD), các nước có thu nhập trung bình thấp (1.036 – 4.045 USD), các nước có thu nhập trung bình cao (4.046 – 12.535 USD), và các nước có thu nhập cao (hơn 12.535 USD).
Việc xếp loại này thường được sử dụng trong nội bộ WB song cũng được các thể chế và tổ chức quốc tế tham khảo rộng rãi. WB sử dụng phân loại này như một trong những yếu tố nhằm xác định các quốc gia đủ điều kiện sử dụng các dịch vụ và sản phẩm của mình, bao gồm cả lãi suất cho vay.
PB(Tổng hợp)