Tin kinh tế tổng hợp

* Giá vàng sáng 7/7 giao dịch quanh mức 57,4 triệu đồng/lượng

Mở cửa phiên giao dịch trong nước, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 56,75 - 57,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với chốt phiên hôm qua.

Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC giữ nguyên so với chốt phiên hôm qua, ở mức 56,8 - 57,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.794,37 USD/ounce vào lúc 1 giờ 13 phút sáng 7/7 theo giờ Việt Nam. Trước đó, trong cùng phiên, giá vàng có lúc tăng lên 1.814,78 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 17/6.

* Tỷ giá trung tâm không đổi

Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 7/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.175 VND/USD, không đổi so với hôm qua.

Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.871 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.479 VND/USD.

Tại các ngân hàng thương mại, sáng nay, giá đồng Nhân dân tệ (NDT) và giá USD được các ngân hàng điều chỉnh trái chiều.

Lúc 8 giờ 30 phút, giá USD tại BIDV ở mức 22.910 - 23.110 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 10 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với hôm qua.

Giá đồng NDT tại BIDV được điều chỉnh giảm 11 đồng ở chiều mua vào và 7 đồng ở chiều bán ra so với hôm qua, niêm yết ở mức 3.499 - 3.605 VND/NDT (mua vào - bán ra).

* Đồng Nai giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về xuất siêu

Trong 6 tháng đầu năm 2021, với kết quả thặng dư thương mại đạt trên 1,902 tỷ USD, Đồng Nai tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước cả nước về xuất siêu, và là năm thứ 8 liên tiếp đạt xuất siêu, kể từ năm 2014...

Theo báo cáo vừa được Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai công bố, mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xuất siêu của tỉnh Đồng Nai trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt 1.902,79 triệu USD; trong đó, khu vực kinh tế trong nước xuất siêu 297,57 triệu USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu 1.605,2 USD.

Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 đạt 11.597,05 triệu USD, tăng 34,17% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 9.694,26 triệu USD, tăng 41,74% so cùng kỳ.

* Long An dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Mặc dù chịu nhiều tác động của dịch bệnh COVID-19, nhưng thu hút đầu tư của tỉnh Long An trong 6 tháng đầu năm vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, Long An là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 77 dự án trong nước với số vốn đăng ký gần 5.600 tỷ đồng và 30 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 3,3 tỷ USD; trong đó, riêng dự án án nhà máy điện LNG Long An I và II có vốn đăng ký hơn 3 tỷ USD.

Thời gian tới, các đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện thu hút đầu tư; trong đó, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, triển khai thực hiện các giải pháp để tiếp tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), duy trì chỉ số PCI nằm trong nhóm “tốt” đến “rất tốt”; nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, chỉ số PAPI năm 2021; thường xuyên theo dõi, trao đổi nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư trong thực hiện dự án đầu tư, nhất là các dự án có tác động lớn và tạo động lực cho tăng trưởng.

* Đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu tới người dân

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thời điểm này tại các hệ thống phân phối lớn, việc chuẩn bị nguồn hàng dự trữ vẫn được duy trì trong giai đoạn chống dịch COVID-19 với lượng hàng hóa tăng mạnh so với trước đó.

Theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch; đề nghị các doanh nghiệp phân phối cam kết bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong hệ thống phân phối, nhất là tại địa phương có dịch bệnh.

Siêu thị Coopmart Thanh Hà bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người tiêu dùng. Ảnh: Văn Nỷ

Do đó, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các địa phương, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng phương án bảo đảm cung - cầu hàng hóa, lưu thông, tiêu thụ nông sản ứng phó với các mức độ của dịch COVID-19.

Vì vậy, nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân, thị trường không có hiện tượng tăng giá đột biến, việc tiêu thụ nông sản thuận lợi, không có hiện tượng ùn ứ nông sản như giai đoạn trước.

Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.463,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 3,55%.

Các chuyên gia thương mại cho biết, tuy dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng tâm lý người dân trong mua sắm hàng hóa tương đối bình tĩnh, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ.

Tại các địa phương có dịch bệnh, hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường; tình hình hàng hóa trên thị trường cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

* Giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên 6/7

Giá dầu thế giới đi xuống sau một phiên 6/7 đầy biến động, khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hủy họp vì các nhà sản xuất lớn không thể đạt được thỏa thuận tăng nguồn cung.

Phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 2,63 USD (tương đương 3,4%) xuống 74,53 USD/thùng. Trước đó trong cùng phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc có lúc đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 là 77,84 USD/thùng.

Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng lùi 1,79 USD (2,4%) xuống 73,37 USD/thùng. Trước đó, loại dầu này cũng có thời điểm đạt mức 76,98 USD/thùng - cao nhất kể từ tháng 11/2014.

Hôm thứ Hai (5/7), các bộ trưởng thuộc OPEC và các nhà sản xuất dầu liên minh (nhóm OPEC+) đã từ bỏ các cuộc đàm phán sau khi Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) không thể thu hẹp sự khác biệt.

Ban đầu, giá dầu đã tăng do tin tức về sự cố trong các cuộc đàm phán. Nhưng giá “vàng đen” quay đầu giảm khi giới giao dịch tập trung vào khả năng những xung đột sẽ khiến một số quốc gia xuất khẩu nhiều dầu hơn.

* Nhật Bản kỳ vọng nền kinh tế sẽ trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm 2021

Chính phủ Nhật Bản dự báo nền kinh tế quốc gia sẽ phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19 vào cuối năm nay, nhờ xuất khẩu ổn định cũng như chi tiêu của người tiêu dùng gia tăng nhờ các tiến triển trong việc triển khai tiêm chủng

Thông tin trên được đưa ra trong bản đánh giá mới nhất được công bố hôm thứ 6/7. Trong bản đánh giá, Chính phủ Nhật Bản dự báo rằng trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022, nền kinh tế này sẽ tăng trưởng 3,7%. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản khi đó dự kiến sẽ vượt ngưỡng 547.000 tỷ yen (4.900 tỷ USD) ghi nhận trong giai đoạn từ tháng 10 - 12/2019.

Các dự báo mới thấp hơn so với ước tính hồi tháng 1/2021 là tăng trưởng 4,0% cho năm tài chính này. Song điều đó phần lớn là do nền kinh tế Nhật Bản đã giảm 4,6% - thấp hơn dự kiến trong năm tài chính 2020.

Theo đánh giá của Chính phủ, sự phục hồi của kinh tế Nhật Bản sẽ ở mức vừa phải trong nửa đầu năm tài chính này. Rồi đà phục hồi sẽ tăng tốc trong nửa sau do xuất khẩu, chi tiêu cho sản xuất cũng như chi tiêu cho dịch vụ đều tăng.

Sang năm tài chính 2022, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản dự kiến sẽ chậm lại còn 2,2% do hoạt động xuất khẩu giảm tốc. Dù vậy, bản đánh giá nhận định nhu cầu trong nước mạnh mẽ sẽ nâng GDP của nước này lên mức kỷ lục 558.000 tỷ yen.

Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới hiện đang tụt hậu so với Mỹ, Anh và nhiều nước châu Âu trong kế hoạch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Bên canh đó, việc số ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng đã buộc Nhật Bản phải duy trì tình trạng “bán khẩn cấp” trong nhiều tuần trước khi Thế vận hội Olympic Tokyo bắt đầu vào ngày 23/7 tới.