Phát triển nghề nuôi cá mú Trân Châu

Mô hình nuôi cá mú trong ao bằng con giống nhân tạo bắt đầu từ năm 2017 tại khu vực Đầm Nại, trong đó tập trung nhiều ở xã Tri Hải (Ninh Hải). Mô hình nghề nuôi cá mú mang lại hiệu quả đáng kể cho hộ nuôi, nhưng nhìn chung vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Nguyên nhân chính là do kỹ thuật nuôi lạc hậu, con giống thả nuôi chủ yếu đánh bắt từ tự nhiên, số lượng không nhiều, nhiều kích cỡ, hình thức nuôi theo kiểu “thu tỉa, thả bù”. Do đó, việc chủ động tạo ra con giống sản xuất nhân tạo thích hợp với điều kiện môi trường tại địa phương rất cần thiết.

 

Hoạt động sản xuất giống cá mú Trân Châu tại Trung tâm Dịch vụ Giống cây trồng, vật nuôi,
thủy sản Ninh Thuận.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản Ninh Thuận cho biết: Năm 2019, Trung tâm đã nghiên cứu thành công quy trình kỹ thuật sản xuất giống cá mú Trân Châu nhằm phục vụ nhu cầu nuôi cá mú thương phẩm của người dân trong và ngoài tỉnh, hạn chế tình trạng nhập giống cá mú Trân Châu từ các nước trong khu vực. Cá mú Trân Châu là loài cá lai có nhiều ưu điểm, khả năng thích nghi cao, có thể nuôi trong ao, nuôi lồng bè, kể cả nuôi trong bể xi măng đều sinh trưởng, phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao. Chị Hồ Thị Mộng Kiều, hộ có thâm niên nuôi cá biển gần 20 năm ở xã Tri Hải chia sẻ: Tôi nuôi cá mú được 5 năm, trước đây chủ yếu nhập giống ở nước ngoài hoặc khai thác từ thiên nhiên, nhưng gần 2 năm nay tôi chuyển sang nuôi giống cá mú Trân Châu cho hiệu quả khá tốt, cá phát triển đều, lớn nhanh, giảm công chăm sóc rất nhiều. Theo đó, thời gian nuôi cá mú Trân Châu từ 10-12 tháng, khi thu hoạch trọng lượng đạt 1,2-1,5 kg/con, cao hơn so với cá mú đen khoảng 0,3kg; giá bán phổ biến từ 180.000-220.000 đồng/kg tùy thời điểm. Với mức giá này người nuôi lãi từ 80.000-100.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, thức ăn cho cá là các loại thức ăn công nghiệp, trong quá trình nuôi thường xuyên sử dụng các loại vôi, khoáng chất phế phẩm vi sinh để quản lý môi trường nên hạn chế ô nhiễm môi trường hơn so với quy trình nuôi sử dụng thức ăn là cá tạp. Đến nay, quanh đầm Nại đã có hơn 20 hộ nuôi với quy mô hơn 20 ha và một số hộ nuôi lồng bè ở phường Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), thôn Mỹ Tân, xã Thanh Hải (Ninh Hải). Qua đó, đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động.

Hiện nay, nuôi cá mú Trân Châu đã trở thành nghề mới của bà con ven biển, mô hình không chỉ giải quyết được yêu cầu đa dạng các đối tượng nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao, chuyển những ao nuôi tôm gặp khó khăn do dịch bệnh sang phát triển nuôi cá mú, góp phần khôi phục lại nghề nuôi trồng thủy sản quanh Đầm Nại gắn với bảo vệ môi trường. Mặt khác, cá mú Trân Châu có thể thích nghi tốt ở nhiều môi trường nuôi và hình thức nuôi sẽ mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi thủy sản.