* Giá vàng sáng 5/7 tăng 30.000 đồng/lượng
Lúc 8 giờ 45 phút, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,65 - 57,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 30.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.
Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC tăng 30.000 đồng/lượng ở chiều mua vào so với chốt phiên cuối tuần qua, ở mức 56,68 - 57,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
* Tỷ giá trung tâm tăng 6 đồng
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 5/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.190 VND/USD, tăng 6 đồng so với cuối tuần qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.886 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.494 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, sáng 5/7, giá đồng USD giảm, trong khi giá đồng Nhân dân tệ (NDT) biến động trái chiều.
Lúc 8 giờ 30 phút, giá USD tại Vietcombank được điều chỉnh giảm 10 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần qua, ở mức 22.870 - 23.100 VND/USD (mua vào - bán ra).
Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.489 - 3.628 VND/NDT (mua vào - bán ra), tăng 9 đồng ở chiều mua vào và 3 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần qua.
* Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 8.043 tỷ đồng
Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17h00 ngày 4/7 quỹ đã tiếp nhận được 8.043 tỷ VND (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi).
Số tiền đã chuyển vào quỹ kể trên do 360.005 tổ chức, cá nhân tham gia đóng.
Hiện nay, Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã mở 21 tài khoản tiếp nhận cho 3 loại tiền VND, USD, EUR tại Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước và 6 ngân hàng thương mại gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, HDBank, Agribank và TPBank
Hết quý III/2021, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt tối thiểu 60% kế hoạch
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ vừa ban hành về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 95 - 100% kế hoạch được Thủ tướng giao từ đầu năm; trong đó, đến hết quý III/2021 giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch.
* Cung ứng điện gặp khó khăn vì nhiều hồ thủy điện thiếu nước
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện nay là thời điểm cuối mùa khô nên mức nước nhiều hồ thủy điện lớn ở phía Bắc đang xuống thấp, gây nguy cơ ảnh hưởng đến việc cung cấp điện.
Điển hình như hồ Hòa Bình chỉ còn cách mức nước chết gần 5m, hồ Sơn La cách mức nước chết 8m, hồ Thác Bà cách mức nước chết chưa tới 1m. Khi mức nước các hồ thủy điện xuống thấp làm hạn chế khả năng phát điện cả về công suất phát và sản lượng điện.
Mặt khác, trong điều kiện thời tiết tiếp tục nắng nóng trên diện rộng ở miền Bắc và miền Trung khiến mức độ tiêu thụ điện thường xuyên duy trì ở mức cao. Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết, trong những ngày gần đây, công suất tiêu thụ điện toàn quốc đều khoảng 42.000 MW – cao hơn mức công suất đỉnh năm 2020 tới gần 10%. Trong bối cảnh nguồn điện và mức tiêu thụ điện như vậy dẫn đến mức dự phòng nguồn điện ở khu vực phía Bắc chỉ còn ở mức thấp, nguy cơ xảy ra sự cố do quá tải và ảnh hưởng đến tình hình cung cấp điện.
Để hạn chế nguy cơ này, EVN tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan, công sở và nơi sản xuất chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối (buổi trưa từ 11h30 đến 15h00, buổi tối từ 20h00 đến 23h00). Đồng thời, chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ (đặt ở mức 26 - 27 độ trở lên kết hợp với quạt) và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.
* Xuất khẩu gạo của Thái Lan giảm 21% trong 6 tháng đầu năm
Thái Lan chỉ xuất khẩu được 2,2 triệu tấn gạo trong nửa đầu năm nay với giá trị 1,382 tỷ USD, giảm 21,03% về lượng và 28,14% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Truyền thông sở tại ngày 4/7 dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) Charoen Laothammathat nhận xét tình hình không tốt cho xuất khẩu gạo của quốc gia Đông Nam Á này. So với mục tiêu đặt ra cho cả năm 2021 là 6 triệu tấn với trị giá 5 tỷ USD, Thái Lan có thể xuất khẩu 5,7 triệu tấn gạo.
Theo ông Charoen, để xuất khẩu 6 triệu tấn gạo trong năm nay, Thái Lan phải xuất khẩu trung bình 500.000 tấn mỗi tháng, trong khi xuất khẩu gạo của Thái Lan hiện đang thấp hơn mục tiêu.
Chủ tịch TREA cho biết gạo Thái Lan đắt hơn đối thủ cạnh tranh và điều đó ảnh hưởng đến doanh số bán hàng. Đây là kết quả của việc đồng baht nội địa tăng giá và hạn hán.
Ông Charoen cho biết xuất khẩu gạo của Thái Lan đã giảm liên tục ở nhiều thị trường như có thể thấy được từ số liệu xuất khẩu sang các nước láng giềng như Malaysia.
Trong hai tháng đầu năm nay, Ấn Độ là nước xuất khẩu nhiều gạo nhất với 72.203 tấn, tiếp theo là Pakistan với 19.575 tấn, Việt Nam với 13.978 tấn, Myanmar với 10.899 tấn, trong khi Thái Lan đứng thứ 5 với 6.059 tấn.
* Nguy cơ giá năng lượng tiếp tục tăng cao nếu OPEC “chệch nhịp”
Cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) sẽ phải kéo dài sang ngày thứ ba, là ngày 5/7, thay vì chỉ diễn ra trong vòng một ngày (1/7). Điều này cho thấy tổ chức quyền lực nhất thị trường dầu mỏ thế giới đang “sa lầy” trong bế tắc.
Trước đó, kết thúc ngày họp thứ hai liên tiếp hôm 2/7, OPEC+ đã gây bất ngờ khi không đạt được thỏa thuận về việc có nên bổ sung thêm dầu vào thị trường đang “khát” cung hay không. Nhóm này cho biết họ sẽ cố gắng đi đến một thỏa thuận vào ngày mai (5/7).
Robert McNally, Chủ tịch công ty tư vấn năng lượng Rapidan Energy Group, nhận định: “Đây là một bế tắc lớn”.
* Giá năng lượng tăng cao kỷ lục sau gần ba năm
Tại Mỹ, người dân bước vào kỳ nghỉ lễ ngày 4/7 với mức giá xăng cao nhất trong vòng bảy năm, khiến những quan ngại về ảnh hưởng của lạm phát đối với nền kinh tế ngày một gia tăng.
Các nhà phân tích Phố Wall cho rằng chỉ có OPEC+ mới có thể giải cứu thị trường lúc này, bằng cách bơm thêm dầu để đáp ứng nhu cầu đang tăng cao. Tuy nhiên, nhóm này hiện chưa thể thống nhất các điều khoản để thực hiện điều đó.
Trong khi Nga cho rằng cần phải bơm thêm dầu vào thị trường, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) lại tỏ ra lo ngại về cấu trúc của thỏa thuận, khiến cả khối chưa đạt được sự thống nhất.
Matt Smith, Giám đốc mảng nghiên cứu hàng hóa tại công ty dữ liệu ClipperData, cho biết: “Sự khác biệt về cấp bậc đã phản ánh những mối quan hệ khó khăn trong nội bộ khối. Ở đó, UAE quan tâm đến lợi ích của riêng mình chứ không phải đường lối cốt lõi của OPEC".
Sau gần ba năm giá dầu tại Mỹ lần đầu tiên đã tăng lên trên ngưỡng 75 USD/thùng vào hôm 1/7, đánh dấu sự phục hồi đáng kể từ tháng 4/2020, khi giá “vàng đen” giảm xuống ngưỡng âm 40 USD/thùng.
Sự phục hồi này được thúc đẩy một phần bởi nhu cầu xăng và nhiên liệu máy bay tăng cao, trong khi các biện pháp hạn chế di chuyển cũng được nới lỏng nhờ những dấu hiệu dịu đi của đại dịch.
Nhưng cùng với đó, nguồn cung cũng đang bị kìm hãm, bởi OPEC+ chỉ sẵn sàng bổ sung số sản lượng mà tổ chức này đã cắt giảm từ năm ngoái một cách dần dần. Trong khi đó, sau nhiều năm hoạt động tài chính kém, các nhà sản xuất của Mỹ cũng đang chịu áp lực phải hạn chế các kế hoạch tăng sản lượng.
* Nội bộ OPEC mất đoàn kết trong chính sách?
Nếu OPEC+ không đạt được thỏa thuận và giữ nguyên nguồn cung như hiện nay, môi trường giá cả sẽ chịu những tác động nghiêm trọng theo cả hai hướng.
Tuy nhiên, cũng có nguy cơ những bất đồng hiện tại sẽ khiến OPEC+ sụp đổ hoàn toàn, dẫn đến tình trạng mỗi quốc gia tự thực hiện chính sách riêng và bổ sung quá nhiều nguồn cung dầu. Khi đó, kịch bản về một cuộc chiến giá cả như hồi mùa Xuân năm ngoái giữa Saudi Arabia (A-rập Xê-út) và Nga có thể khiến giá giảm mạnh .
Chủ tịch McNally nói: “Sự hỗn loạn cũng có thể là nguyên nhân khiến giá dầu đi xuống. Khi OPEC đi chệch hướng, hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều”.
Trong nhiều năm, UAE và Saudi Arabia, hai cường quốc trong OPEC, là đối tác thân thiết. Trong khi Saudi Arabia là nhà lãnh đạo chính của OPEC thì UAE là nhà sản xuất lớn thứ ba của khối này vào năm 2020.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai quốc gia gần đây đã căng thẳng hơn và các nhà phân tích cho rằng điều đó có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bế tắc hiện tại của OPEC. Trên thực tế, một số người theo dõi OPEC đã nhận thấy nguy cơ UAE có thể rời bỏ khối hoàn toàn./.
PB (Tổng hợp)