Tin kinh tế tổng hợp

* Giá vàng trong nước sáng 6/7 tăng 50.000 đồng/lượng

Mở cửa phiên giao dịch, tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC tăng 30.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua, ở mức 56,78 - 57,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 56,75 - 57,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với chốt phiên hôm qua.

Tại thị trường châu Á, giá vàng giao ngay ổn định ở mức 1.792,34 USD/ounce vào lúc 7 giờ 55 phút sáng 6/7 theo giờ Việt Nam sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 18/6 là 1.794,86 USD trong phiên 2/7.

* Tỷ giá trung tâm giảm 15 đồng

Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 6/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.175 VND/USD, giảm 15 đồng so với hôm qua.

Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.871 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.479 VND/USD.

Tại các ngân hàng thương mại, sáng nay, giá đồng Nhân dân tệ (NDT) biến động trái chiều trong khi giá USD ổn định.

Lúc 8 giờ 30 phút, giá USD tại Vietcombank không đổi so với hôm qua, ở mức 22.870 - 23.100 VND/USD (mua vào - bán ra).

Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.487 - 3.633 VND/NDT (mua vào - bán ra), giảm 2 đồng ở chiều mua vào và tăng 6 đồng ở chiều bán ra so với hôm qua.

* Tp. Hồ Chí Minh đóng cửa chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền

Sáng 6/7, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH Một thành viên (Satra), Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ Bình Điền - đơn vị quản lý và điều hành hoạt động chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền (chợ Bình Điền), đã có thông báo chính thức số 68/TB-BĐ về việc tạm dừng hoạt động kinh doanh tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền từ 8 giờ ngày 6/7.

Theo đó, toàn bộ thương nhân, tiểu thương đang kinh doanh tại chợ sẽ tạm ngừng việc tiếp nhận hàng hóa vào chợ. Đồng thời, thương nhân, tiểu thương thực hiện việc vận chuyển hàng hóa ra khỏi khu vực chợ chậm nhất là 20 giờ cùng ngày.

Đại diện Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền cho biết, để chủ động trong hoạt động kinh doanh, thương nhân, tiểu thương có thể thay đổi hình thức vận chuyển, giao nhận hàng trực tiếp theo phương thức điều phối trực tuyến giao tận nơi cho những khách hàng. Đây cũng là một trong giải pháp đảm bảo lưu thông thông suốt hàng hóa đến tay người tiêu dùng, cũng như quyền lợi chính đáng cho đơn vị kinh doanh tại chợ Bình Điền.

Cùng với đó, nhằm kịp thời ứng phó với việc đóng cửa chợ Bình Điền phục vụ phòng chống dịch COVID-19, Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền phối hợp với Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh và các quận,huyện, thành phố Thủ Đức kết nối với thương nhân, tiểu thương, nhà cung cấp... đang hoạt động tại chợ cung ứng trực tiếp hàng hóa từ vùng nguyên liệu tới những khu vực có nhu cầu như mạng lưới chợ truyền thống, khu công nghiệp, khu cách ly…

Trước đó, Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền đã có quy định, tất cả những người vào chợ phải có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 từ 16 giờ ngày 5/7. Bên cạnh đó, đơn vị này đã phối hợp với cơ quan y tế quận 8, Tp. Hồ Chí Minh tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 cho toàn bộ người đến chợ Bình Điền.

Ngoài ra, Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền đã phối hợp các cơ quan, sở ngành trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh hoàn thành tiêm vaccine lần 1 cho hơn 8.900 thương nhân, người lao động phòng COVID-19 và sẽ tiếp tục tiêm bổ sung trong thời gian sớm nhất./.

* Tổ chức phân luồng vận tải hàng hóa thông suốt 24/24h

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp phân luồng phương tiện vận tải hàng hóa bảo đảm thông suốt 24/24h.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải giao Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thay mặt cho Bộ Giao thông Vận tải chủ động làm việc, phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và các tỉnh giáp ranh để tổ chức phân luồng, tuyến vận tải hàng hóa, bảo đảm thường xuyên thông suốt (24/24h); tăng cường lực lượng để giải quyết nhanh nhất không để tình trạng ùn tắc tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, các điểm khai báo y tế; đồng thời bảo đảm an toàn dịch bệnh cho lái xe, phương tiện và phòng chống lây lan dịch bệnh hiệu quả.

* Thêm một công trình trọng điểm đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam

Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB) vừa đóng điện thành công đường dây 500kV Dốc Sỏi-Pleiku 2; đường dây 500kV Vũng Áng-Quảng Trạch và Quảng Trạch-Dốc Sỏi cũng dự kiến đóng điện vào cuối năm nay.

Như vậy việc đóng điện công trình trọng điểm Quốc gia đường dây 500kV Bắc-Nam mạch 3 trong năm nay có ý nghĩa quan trọng đối với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), góp phần khắc phục nguy cơ sự cố trên các đường dây truyền tải Bắc-Trung. Từ đó, đảm bảo an toàn cung cấp điện và giảm chi phí vận hành chung của hệ thống khi gia tăng truyền tải công suất của các nhà máy điện ở miền Bắc và miền Trung vào miền Nam, tạo điều kiện vận hành kinh tế hệ thống điện sau năm 2025.

CPMB cho biết, Dự án đường dây 500kV mạch 3, gồm các đường dây 500kV Vũng Áng-Quảng Trạch, Quảng Trạch-Dốc Sỏi và Dốc Sỏi-Pleiku 2 được xây dựng với mục tiêu tăng năng lực truyền tải của lưới điện 500kV liên kết các miền của hệ thống điện Quốc gia, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam trong giai đoạn tới khi hệ thống điện miền Nam không đảm bảo cân đối cung-cầu nội vùng và tối ưu hóa sản xuất - truyền tải điện trong vận hành hệ thống điện Quốc gia. Đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ quyết định đưa vào danh mục các công trình điện cấp bách trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Dự án có quy mô gần 742 km đường dây 500kV mạch kép với 1.606 vị trí móng cột, đi qua 9 tỉnh, thành phố. Dự án cũng xây mới 8 ngăn lộ 500kV tại sân phân phối Trung tâm Điện lực Quảng Trạch.

* Giá lương thực thế giới sẽ giảm nhờ năng suất tăng 

Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 5/7 đã công bố báo cáo Triển vọng Nông nghiệp giai đoạn 2021-2030, trong đó dự báo rằng giá các mặt hàng lương thực chính sẽ giảm trong thập niên tới sau khi tăng đột biến trong năm 2020. Nguyên nhân là do năng suất của các nông trại tăng mạnh trong khi nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc, nước đông dân nhất thế giới, duy trì ổn định.

Theo báo cáo, giá các mặt hàng nông sản đã tăng mạnh kể từ 2020 do Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu và kho dự trữ. Trên cơ sở này, FAO đưa ra dự báo chi phí của các nhà nhập khẩu lương thực bật tăng trong năm nay. Tuy nhiên, giá của hầu hết các mặt hàng nông sản chính sẽ giảm nhẹ theo giá thực tế trong thập niên tới, nghĩa là quay trở lại xu hướng dài hạn là tăng sản lượng tỷ lệ thuận với quy mô dân số thế giới.

Cũng theo báo cáo, nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc sẽ vẫn là động lực chính để thúc đẩy thị trường nông sản và thực phẩm toàn cầu, đặc biệt là nhu cầu tiêu thụ về thịt và cá. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá rằng nhu cầu này sẽ tăng chậm hơn so với thập niên trước.

Ngoài ra, các chuyên gia của FAO và OECD cũng dự báo rằng phát thải của ngành nông nghiệp sẽ tăng lên và chủ yếu là từ lĩnh vực chăn nuôi. Phát thải khí nhà kính (GHG) của ngành này được dự báo sẽ tăng 4% trong 10 năm tới, trong đó lượng khí thải do các trang trại chăn nuôi thải ra chiếm hơn 80%. 

Hai tổ chức trên khuyến cáo các nước cần có thêm nhiều chính sách phát triển ngành nông nghiệp phù hợp, theo hướng thân thiện với môi trường. Các chính phủ cần hỗ trợ để ngành này đóng góp hiệu quả vào việc giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu theo những quy định trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.