Tăng trưởng GRDP của tỉnh 6 tháng đầu năm đứng thứ hai cả nước và cao nhất khu vực

Thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2021 trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức, nhất là dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng với tinh thần chủ động trong chỉ đạo, điều hành đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ, của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong tỉnh. Kết thúc 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 14,57% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Văn Hương, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết: Trong nhóm 5 tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước 6 tháng đầu năm, Hòa Bình là tỉnh đứng đầu với chỉ số tăng 16,1%; Ninh Thuận chúng ta đứng thứ hai với chỉ số tăng 14,57% (đứng đầu khu vực duyên hải miền Trung). Tiếp đến các tỉnh: Vĩnh Phúc tăng 14,21%; Hải Phòng tăng 13,52%; Quảng Nam tăng 11,72%. Trong mức tăng GRDP 6 tháng đầu năm của tỉnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 7,44% (chiếm tỷ trọng 27,19%), đóng góp 2,12 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 29,92% (chiếm tỷ trọng 38,61%), đóng góp 9,63 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,41% (chiếm tỷ trọng 28,49%); thuế sản phẩm tăng 11,38% (chiếm tỷ trọng 5,71%), đóng góp 0,68 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tại Siêu thị VinMart.

So với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 3,14%. Riêng trong tháng 6 CPI tăng 0,79% so với tháng 12-2020 và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Theo phân tích của Cục Thống kê tỉnh, trong mức tăng CPI tháng 6, so với tháng trước có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao nhất với 1,25%; nhóm giao thông tăng 1,12%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,03%. Có 4/11 nhóm có chỉ số giá giảm, gồm: Bưu chính viễn thông giảm 0,43%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,21%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,19%; văn hoá, giải trí và du lịch giảm 0,07% và 3 nhóm còn lại không thay đổi.

Về kết quả thực hiện vốn đầu tư phát triển, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nên trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng trưởng rất thấp trong giai đoạn 2016-2020. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư phát triển thực hiện ước đạt 18.930 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn nhà nước 980 tỷ đồng, giảm 20,7%; vốn ngoài nhà nước 15.650 tỷ đồng, giảm 2,2%; vốn đầu tư nước ngoài 2.300 tỷ đồng, tăng 53,5%. Nguyên nhân nguồn vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng chủ yếu do nguồn vốn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng.

Cũng do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19, trong những tháng đầu năm, khu vực DN tiếp tục gặp khó khăn. Tính đến ngày 15-6, chỉ có 200 DN đăng ký thành lập mới với số vốn 1.802 tỷ đồng, giảm 28,3% số DN và số vốn đăng ký giảm 7,3% so cùng kỳ. Trong đó, một số lĩnh vực như: Sản xuất điện giảm 96,7% (2/60 DN); dịch vụ tư vấn, thiết kế giảm 48% (13/25 DN); xây dựng giảm 26,8% (41/56 DN); dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 37,5% (10/16 DN)... Đến nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số 3.689 DN đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 73.883 tỷ đồng. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng chiếm 39,4%. Số DN quay trở lại hoạt động tăng 82,6% so cùng kỳ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 kéo dài, nên số DN đăng ký giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng, trong 6 tháng đầu năm 2021, có 44 DN giải thể, tăng 52% và có 109 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 40% so với cùng kỳ; trong đó, có 41 DN đã ngừng hoạt động năm 2020, nay tiếp tục đăng ký tạm ngừng trong năm 2021, chiếm 38,8%; còn lại 63 DN khác ở hết các lĩnh vực và chủ yếu là DN có quy mô nhỏ, DN mới thành lập..., như: Lĩnh vực sản xuất giống thủy sản có 13 DN tạm ngừng (hầu hết các DN giống thủy sản đăng ký tạm ngừng do chưa đáp ứng đủ điều kiện sản xuất giống theo quy định, không ảnh hưởng đến sản lượng tôm giống của tỉnh); xây dựng (15 DN); thương mại, dịch vụ (16 DN); sản xuất điện (7 DN, do chưa được thỏa thuận đầu nối điện); dịch vụ lưu trú (3 DN) và các lĩnh vực khác (14 DN).

Dự báo 6 tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tại cuộc họp kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương, nhất là những người đứng đầu trong thời gian tới phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả trong hành động. Thường xuyên kiểm điểm, đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của ngành mình, cấp mình, cũng như có kế hoạch, bố trí thời gian làm việc, đối thoại, đồng hành với các DN để tháo gỡ khó khăn, nhất là khó khăn trong giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm nhằm tạo động lực tăng trưởng mới. Trước mắt thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, với quyết tâm thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo kế hoạch đã đề ra.