* Sáng 28/6, giá vàng giao dịch trên mốc 57 triệu đồng/lượng
Lúc 8 giờ 49 phút, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,5 - 57,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với cuối tuần qua.
Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC cũng không đổi so với cuối tuần qua, ở mức 56,55 - 57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, giá vàng SJC không đổi ở chiều mua vào và giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối tuần qua, niêm yết ở mức 56,5 - 57,05 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra)
* Tỷ giá trung tâm giảm 10 đồng
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 28/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.169 VND/USD, giảm 10 đồng so với cuối tuần qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.864 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.573 VND/USD.
Lúc 8 giờ 20 phút, tại Vietcombank, giá USD không đổi so với cuối tuần qua, ở mức 22.880 - 23.110 VND/USD (mua vào - bán ra).
Tại BIDV, giá đồng bạc xanh được niêm yết ở mức 22.910 - 23.110 VND/USD (mua vào - bán ra), giảm 5 đồng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối tuần qua.
* Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có thể cán mốc 53-54 tỷ USD trong năm 2021
Với kim ngạch tăng thêm 4,34 tỷ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục giữ vững vị trí số 2 trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam…
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/6/2021, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 143,36 tỷ USD, tăng 29,7% tương ứng tăng 32,79 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 6,43 tỷ USD, tương ứng tăng 68,4%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,34 tỷ USD, tương ứng tăng 25%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 2,9 tỷ USD, tương ứng tăng 14,6%...
Với kết quả tăng thêm 4,34 tỷ USD đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ đầu năm đến ngày 15/6/2021 lên con số 21,69 tỷ USD, tăng 25% so cùng kỳ năm 2020 và tiếp tục giữ vững vị trí số 2 trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (sau điện thoại và linh kiện), chiếm tỷ trọng gần 15,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
* Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Theo đó, dự thảo Nghị định đã bổ sung một số nội dung quy định mới để đảm bảo phù hợp với các luật mới được ban hành cũng như thực tế đầu tư phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời gian qua, cụ thể như: về quản lý, điều chỉnh quy hoạch; dự thảo Nghị định bổ sung quy định về phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế. Cụ thể, phương hướng xây dựng là một nội dung trong quy hoạch vùng, trong đó xác định các mục tiêu, định hướng, giải pháp và tổ chức thực hiện về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế ở cấp vùng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2021, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được khoảng 291 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 6,02 tỷ USD, tăng khoảng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái; thu hút được khoảng 271 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 53,2 nghìn tỷ đồng.
Theo đó, lũy kế đến cuối tháng 5/2021, các công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước có khoảng 10.853 dự án sản xuất kinh doanh còn hiệu lực của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 228,4 tỷ USD; trong đó, vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 69,6%; có khoảng 10.186 dự án sản xuất kinh doanh còn hiệu lực của các nhà đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 2,53 triệu tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 45,4%.
Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các khu công nghiệp đạt khoảng 42,9 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt khoảng 53%, riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 71,8%. Các khu công nghiệp trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 3,78 triệu lao động trực tiếp.
* Hàn Quốc sẽ phát triển ô tô hoàn toàn tự động vào năm 2027
Ngày 27/6, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MTIE) thông báo phê duyệt 53 dự án với ngân sách tới 85 tỷ won (75 triệu USD) trong năm nay, trong nỗ lực thực hiện chiến lược phát triển ô tô hoàn toàn tự động vào năm 2027.
Theo MTIE, khoảng 373 tổ chức và 3.500 chuyên gia dự kiến sẽ tham gia các dự án nghiên cứu trên.
Bộ cho biết ngân sách trên sẽ được sự dụng để phát triển các bộ phận cho ô tô tự lái cùng với phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI).
Thông báo trên của MTIE phù hợp với kế hoạch mà Hàn Quốc công bố trước đó là chi 1.090 tỷ won cho các dự án phát triển ô tô tự lái đến năm 2027.
Theo tầm nhìn đến năm 2027, “xứ sở kim chi” sẽ đạt được mức độ 4 về ô tô tự lái, theo đó người lái không còn phải “vần vô lăng” khi điều khiển ô tô.
Công nghệ ô tô tự lái mức độ 2 trên thị trường hiện nay yêu cầu người lái cần phải tập trung trong suốt hành trình, trong khi chiếc xe chỉ có khả năng đi theo các làn đường khi xe tham gia giao thông.
Ngoài ra, Hàn Quốc dự kiến sẽ sửa đổi luật giao thông hiện hành để phù hợp với ô tô tự lái./.
* Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Ấn Độ
Dẫn dữ liệu từ chính phủ, tờ The Economic Times (Ấn Độ) cho biết Mỹ vẫn là đối tác xuất khẩu hàng đầu của Ấn Độ, song giá trị các lô hàng đã giảm 2,78% xuống 51,63 tỷ USD trong tài khóa 2020-2021 (kết thúc vào 31/3/2021), do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, Trung Quốc đã thay thế Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Ấn Độ trong tài khóa, với kim ngạch xuất khẩu tăng 27,53% lên 21,18 tỷ USD. Quặng sắt, hóa chất hữu cơ và dầu mỏ là những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Ấn Độ sang Trung Quốc. Thị phần của Trung Quốc trong kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng lên 7,29% so với 5,3% của tài khóa trước.
PB (Tổng hợp)