Ngay từ đầu năm, quán triệt phương châm hành động của Chính phủ, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành Quyết định số 02/QĐ-UBND với 30 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá và 170 nhiệm vụ cụ thể để chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện một cách quyết liệt, trên tinh thần vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn và đạt một số kết quả nổi bật. Qua thống kê cho thấy, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) ước đạt 10.677 tỷ đồng, tăng 14,57% cùng kỳ; trong đó ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 7,44%; công nghiệp - xây dựng tăng 29,92%; dịch vụ tăng 6,41% và thuế sản phẩm tăng 11,38%. Công tác thu ngân sách có nhiều cố gắng, ước đạt 2.238 tỷ đồng, bằng 57,4 % kế hoạch năm, tăng 30,5% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 6.423 lao động, bằng 40% kế hoạch năm. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo mục tiêu “không để dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng”. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng; công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo được thực hiện tốt; vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường; công tác quốc phòng- quân sự được bảo đảm; tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Công nhân Công ty Cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú vào ca sản xuất. Ảnh: Ngọc Diệp
Tuy nhiên, qua đánh giá chung, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định, cần có giải pháp đồng bộ để khắc phục. Trước tiên, đó là tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Ngoài ra, trên lĩnh vực kinh tế vẫn còn một số hạn chế như: Một số ngành hàng công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn; giá trị sản xuất ngành xây dựng đạt thấp; tiến độ triển khai các khu công nghiệp; dự án du lịch quy mô lớn còn chậm; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tuy được tập trung chỉ đạo, nhưng một số trường hợp còn vướng mắc kéo dài. Tình hình giải ngân vốn đầu tư công còn thấp so với kế hoạch; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt thấp; hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19...
Trước những thuận lợi và khó khăn nêu trên, để thực hiện tốt nhất “mục tiêu kép” vừa tích cực phòng chống dịch, vừa thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng cuối năm, toàn tỉnh cần tập trung cao độ, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành để phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong năm 2021.
Theo đó, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần khẩn trương, quyết liệt, tăng tốc thực hiện nghiêm kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch, chương trình công tác trọng tâm năm 2021. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cần tập trung chỉ đạo sản xuất có hiệu quả vụ hè - thu và vụ mùa; chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp số, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Hỗ trợ đẩy mạnh chế biến, bảo quản nông sản, sản phẩm OCOP, đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi... Ngành Công nghiệp - Xây dựng, tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp vật liệu xây dựng. Hoàn thành Đề án xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp Du long và Phước Nam; hoàn tất thủ tục triển khai Dự án Điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1 và khu công nghiệp Cà Ná.
Các ngành dịch vụ, cần đẩy mạnh công tác thông tin thị trường; triển khai có hiệu quả các chính sách về kích cầu tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh cuộc vận động ”Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; triển khai các giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Triển khai các giải pháp kích cầu du lịch nội địa, thực hiện hiệu quả Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến cuối năm giải ngân hết số vốn được giao, trong đó đến hết quý III-2021, giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch vốn. Tiếp tục triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để ổn định sản xuất, kinh doanh…
Người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt Nam chất lượng cao tại siêu thị Coop mart Thanh Hà. Ảnh: Văn Nỷ
Trên lĩnh vực xã hội, tiếp tục thực hiện nghiêm tinh thần “Chống dịch như chống giặc” và phương châm: “5K + vắc xin” theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch, các bộ, ngành Trung ương và Tỉnh ủy. Tập trung công tác kết nối cung cầu thị trường lao động, có giải pháp hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại lao động thích ứng bối cảnh hậu COVID-19 và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện tốt hơn nữa, đó là, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; cải thiện mạnh mẽ, hiệu quả, bền vững các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đấu tranh trấn áp các loại tội phạm; đẩy mạnh các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, nhằm kéo giảm tai nạn giao thông trong những tháng cuối năm...
Nhật Nguyên