Giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh

Tỉnh ta có tiềm năng phát triển kinh tế đa lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực lợi thế. Qua đó, tạo đột phá thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến đầu tháng 5, trên địa bàn tỉnh có 440 dự án đầu tư của các thành phần kinh tế được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đang còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 159.789 tỷ đồng, trong đó 35 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 26.509 tỷ đồng. Đến nay, có 297 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, chiếm 67,5%; 75 dự án đang triển khai thi công, chiếm 17% và 68 dự án đang hoàn tất thủ tục đầu tư, chiếm 15,5%.

Nhìn chung, các dự án triển khai cơ bản đáp ứng được mục tiêu đề ra; tuy nhiên, một số dự án vẫn có tiến độ chậm. Trong tổng số 121 dự án đang triển khai (không bao gồm các dự án đô thị, dự án trong các khu, cụm, công nghiệp), có 58 dự án triển khai theo đúng tiến độ quy định tại quyết định chủ trương đầu tư hoặc chủ trương giãn tiến độ của UBND tỉnh; 33 dự án đang triển khai nhưng có khó khăn, vướng mắc; 30 dự án triển khai chậm tiến độ.

TrungNam Group huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công công trình Cảng tổng hợp Cà Ná (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ

Nguyên nhân hạn chế chủ yếu là do nhà đầu tư thiếu quyết tâm và năng lực thực hiện dự án thi công dở dang, kéo dài, chậm tiến độ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai. Thời gian hoàn thành thủ tục liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất rừng còn kéo dài, ảnh hưởng đến quy hoạch quốc phòng, dịch COVID-19. Việc phối hợp của các ngành, địa phương có trường hợp chưa chặt chẽ và thường xuyên trong việc theo dõi, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất; một số dự án có quy mô lớn chậm triển khai nhưng biện pháp xử lý chưa kịp thời.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh theo kế hoạch năm 2021 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh đề ra giải pháp: Đối với các dự án đầu tư đã cơ bản đầy đủ thủ tục theo quy định nhưng triển khai chậm yêu cầu nhà đầu tư tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai đầu tư xây dựng, đưa dự án vào hoạt động theo đúng tiến độ quy định. Giao các sở, ngành và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư sớm hoàn thành đầu tư xây dựng đưa dự án vào hoạt động.

Đối với các dự án chậm tiến độ, UBND tỉnh đề nghị Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương thanh tra, kiểm tra, làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến chậm tiến độ triển khai dự án để có hướng xử lý vi phạm theo quy định; đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường giám sát tiến độ sử dụng đất, kịp thời tham mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định của pháp luật; kiên quyết thu hồi đất, chấm dứt hoạt động dự án đối với các dự án nhà đầu tư không có năng lực, không quyết tâm triển khai, đã đủ điều kiện để thu hồi dự án.

Đối với các dự án chậm tiến độ do khó khăn, vướng mắc về thủ tục, thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành Trung ương về chuyển đổi đất rừng, xin ý kiến về quốc phòng, an ninh, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn tất thủ tục hồ sơ theo quy định; yêu cầu nhà đầu tư tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai đầu tư xây dựng, đưa dự án vào hoạt động theo đúng tiến độ cam kết.

Với việc UBND tỉnh đề ra các giải pháp thiết thực tháo gỡ khó khăn, tin rằng các dự án triển khai trên địa bàn tỉnh sẽ được đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành đúng theo kế hoạch.