(NTO) Đề thi thường có các câu hỏi giáo khoa hoặc bài tập có tính toán nhỏ (thường là câu I và câu III) có nội dung của kiến thức vô cơ - đại cương. Để lấy điểm trọn vẹn câu này, thí sinh phải nắm thật vững kiến thức sách giáo khoa và làm bài thật chuẩn xác. Với các câu này, nội dung thường nằm trong các phần: cấu tạo nguyên tử - bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học; phản ứng oxy hóa khử, chuyển dịch cân bằng, dung dịch - sự điện ly, các bài toán pH, tính chất hóa học của những chất thuộc các nguyên tố halogen S, O, N, P, Al, Fe.
Những câu có nội dung hóa hữu cơ thường có nội dung nằm trong các bài tiêu biểu thuộc các nhóm nguyên tố:(C, H); (C, H, O) và (C, H, O, N), kết hợp halogen với các cách cho thường gặp như viết phản ứng, nêu hiện tượng thí nghiệm, hoàn thành sơ đồ phản ứng, điều chế, nhận biết và tách chất.
Về bài toán vô cơ, chủ yếu là các bài toán về kim loại và hợp chất của kim loại phản ứng với axit; muối; phản ứng nhiệt luyện, các phản ứng trong dung dịch. Ở câu này, yêu cầu ở thí sinh cao hơn, để lấy được điểm tối đa phải là các thí sinh khá giỏi!
Các bài toán hữu cơ có yêu cầu tìm công thức và định lượng trên các chất tiêu biểu thuộc các nhóm nguyên tố: (C, H, O); (C, H, O, N). Câu này thường ít có thí sinh lấy được điểm tối đa.
Dự báo đề thi sẽ có nội dung trọng tâm nằm ở các phần: Cấu tạo nguyên tử - Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học - liên kết hóa học. Những câu hỏi trong phần này sẽ đơn giản, chỉ cần hiểu các cách giải câu hỏi này như những đề tự luận của các năm trước là có thể có kết quả tốt. Phản ứng oxy hóa khử; cân bằng hóa học; các bài toán sự điện ly, pH cũng cho ở mức độ vừa phải, cần tham khảo kỹ các câu hỏi của đề thi trước là thí sinh có thể lấy được điểm tối đa. Còn lại là các câu hỏi nằm ở phần trọng tâm của chương trình lớp 12. Các câu hỏi giáo khoa cũng có nội dung tương tự những năm trước. Đối với yêu cầu về định lượng, sẽ khai thác mạnh các định luật và các kỹ thuật giải toán nhanh, đây là xu thế của cách ra đề trắc nghiệm.
Nhóm tư vấn Sở GD-ĐT