Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011- Ảm đạm nhóm ngành kỹ thuật

Ngày 7-5, các sở GD-ĐT trên cả nước kết thúc bàn giao hồ sơ cho các trường ĐH-CĐ. Tại các tỉnh phía Nam, những trường có đào tạo nhóm ngành kỹ thuật thấp thỏm lo không có người học khi hồ sơ đăng ký thi vào những ngành này chỉ lác đác.

 

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường ĐH Sài Gòn. 

Miền Nam: Ảm đạm kỹ thuật

Trong tổng số gần 29.000 hồ sơ nộp về Văn phòng Tuyển sinh Bộ GD-ĐT phía Nam có đến hơn 70% hồ sơ dồn về ngành kinh tế, công nghệ. Những ngành thuộc khối kỹ thuật chiếm chưa tới 3% hồ sơ. So với những mùa tuyển sinh trước đây, tỷ lệ này sụt giảm khoảng 25%. Đáng nói hơn, Sở GD-ĐT TPHCM tăng hơn 10.000 hồ sơ so với năm 2010 nhưng số lượng hồ sơ đăng ký vào nhóm ngành kỹ thuật cũng sụt giảm. Đơn cử như Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, khối ngành đào tạo chủ lực của trường là các ngành kỹ thuật, cơ khí, điện tử… nhưng năm nay số lượng thí sinh đăng ký dự thi có biến động lớn khi những ngành này chưa vượt qua con số 40 hồ sơ. Tính đến cuối ngày 5-5, trường này nhận khoảng 16.000 hồ sơ, trong đó ngành kỹ thuật cơ điện tử 20 hồ sơ, kỹ thuật nhiệt 35, công nghệ may 30… Những ngành quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính - ngân hàng trên 500 hồ sơ/ngành.

Đáng nói hơn, ngay cả trường có tên tuổi hàng đầu của cả nước về đào tạo những ngành kỹ thuật như Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng không đủ sức hấp dẫn đối với thí sinh. Trường có gần 5.000 hồ sơ, trong đó ngành bảo dưỡng công nghiệp chưa tới 10 hồ sơ, kỹ thuật dệt may 20, kỹ thuật vật liệu 12… Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - trường đào tạo giáo viên kỹ thuật duy nhất của phía Nam cũng không thấy khởi sắc. Nhiều ngành như sư phạm kỹ thuật công nghiệp, sư phạm kỹ thuật ô tô, sư phạm kỹ thuật cơ điện tử… chỉ lác đác từ 1 - 10 hồ sơ/ngành. Ở hệ đào tạo cử nhân, các ngành kỹ thuật công nghiệp, công nghệ in, công nghệ kỹ thuật máy tính chưa tới 20 hồ sơ/ngành…

Với 50 ngành - chuyên ngành đào tạo, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM dù những năm gần đây luôn dẫn đầu cả nước về trường có thí sinh đăng ký dự thi cao nhưng các ngành cơ khí nông lâm, kỹ thuật điều khiển và tự động, kỹ thuật thông tin lâm nghiệp, hồ sơ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho biết: Những ngành cơ khí, điều khiển tự động, công nghệ nhiệt lạnh ít thí sinh đăng ký một phần do các em ngại khổ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay sinh viên đang học năm thứ 3 ở những ngành trên đã có đơn vị đặt hàng và nhiều em tốt nghiệp ra trường có thu nhập rất cao.

TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng: Việc thí sinh thiếu cân nhắc hay thiếu định hướng trong lựa chọn ngành nghề không phải lỗi ở thí sinh mà chính là lỗi của ngành giáo dục khi công tác hướng nghiệp ở bậc phổ thông chưa được xem trọng.

Miền Bắc: ĐH địa phương đắt hàng

Theo số liệu của hầu hết các sở GD-ĐT phía Bắc, khối A vẫn là khối thi có nhiều hồ sơ đăng ký dự thi nhất. Năm nay, số hồ sơ của các tỉnh phía Bắc nơi tăng, nơi giảm nhưng cơ bản là vẫn tăng nhẹ so với năm 2010.

Hà Nội là một trong những địa phương nhận được nhiều hồ sơ đăng ký dự thi nhất và trong đó có đến 53,12% hồ sơ vào khối A. Tiếp theo là khối D chiếm 24,13%; khối B: 22.416 hồ sơ (13,54%). Trong khi đó, khối C chỉ chiếm 4,44%. Tại Nam Định, trong tổng số 59.317 hồ sơ đăng ký dự thi vào ĐH-CĐ, khối C chỉ có vỏn vẹn 216 hồ sơ. Tình trạng này cũng tương tự tại Bắc Giang, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên... Tuy nhiên, không giống những địa phương trên, tại nhiều tỉnh miền núi như Sơn La, Bắc Kạn, Yên Bái, Lào Cai... khối C có vẻ không phải chịu cảnh đìu hiu khi có nhiều thí sinh đăng ký thi dự thi. Cụ thể, tại Sơn La, số hồ sơ vào khối C là 2.756 bộ, trong khi đó khối A là 5.026 bộ, khối B: 2.890 bộ. Tại Bắc Kạn, trong tổng số 4.662 hồ sơ có 1.970 hồ sơ thi khối A; 1.462 hồ sơ thi khối B; 609 hồ sơ thi khối C…

ĐH Công nghiệp Hà Nội vẫn là trường có lượng hồ sơ đông kỷ lục. Tiếp đến là ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Thương mại, Cao đẳng Giao thông Vận tải. Trong khi đó, các trường tốp trên như ĐH Bách khoa, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Y Hà Nội, lượng hồ sơ đăng ký dự thi chỉ ở mức trung bình. Theo nhận định của một số cán bộ làm công tác tuyển sinh, điều này cho thấy công tác hướng nghiệp đã có hiệu quả, thí sinh tự lượng được sức mình trong việc chọn trường.

Ngoài ra, một điều rất đáng mừng là một số trường ĐH vùng, ĐH địa phương khá “đắt hàng”. ĐH Hải Phòng là trường thu hút được lượng thí sinh đông nhất trong tỉnh với khoảng 10.000 hồ sơ đăng ký dự thi. Tại Vĩnh Phúc, Cao đẳng Vĩnh Phúc cũng đứng đầu về lượng hồ sơ với 2.746 bộ, cao hơn trường về nhì là ĐH Công nghiệp Hà Nội trên 200 bộ hồ sơ. Tại Thái Bình, Cao đẳng Y tế Thái Bình là một trong 4 trường được nhiều thí sinh lựa chọn nhất cùng với ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Nông nghiệp và ĐH Thương mại. Tại Thanh Hóa, ĐH Hồng Đức cũng thu hút hơn 10.000 bộ hồ sơ, đứng đầu về số hồ sơ đăng ký dự thi trong tỉnh năm nay... Trong khi ĐH Thái Nguyên có sức hút khá mạnh với thí sinh các tỉnh Đông Bắc thì thí sinh phía Tây Bắc lại gửi gắm niềm tin vào ĐH Tây Bắc. Lượng hồ sơ dự thi vào trường ĐH này chiếm nhiều nhất tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên. Đây là một điều rất đáng mừng, cho thấy thí sinh đã biết lượng sức mình, tiết kiệm chi phí đào tạo.

Xung quanh việc nhiều thí sinh không mặn mà với nhóm ngành kỹ thuật do ngại khổ, một chuyên gia tư vấn tuyển sinh của ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng mấu chốt của vấn đề nằm ở công tác hướng nghiệp. Ông nói: “Công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông hiện nay mới chỉ làm cho có. Hơn nữa, để học sinh tiếp cận được với các trang thiết bị, phòng thí nghiệm, phòng thực hành… ở các trường ĐH là rất khó. Do đó, khi các em không biết rõ về ngành nghề thì làm sao chọn nghề cho đúng và không thể học tốt được”.
Nguồn Báo SGGP