Cầm trên tay tập sách “Tiếng đàn trong sen” do Nhà thư pháp Mạch Liên (Mạch Thụy Liên) gửi tặng tươi nguyên màu mực in, chúng tôi ghi nhận tinh thần nỗ lực lao động vì lòng đam mê nét đẹp chữ Việt của tác giả. Tập sách được đầu tư công phu từ bố cục nội dung giới thiệu đến trình bày, kỹ thuật in ấn mang giá trị thẩm mỹ cao. Mở đầu tập sách là lời giới thiệu trân trọng của Nhà thơ Trần Tuấn Hùng, Chi hội trưởng Chi hội Văn học thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh. Với bài viết “Mạch Liên, nghệ sĩ tài hoa thăng hoa cùng thư pháp”, Nhà thơ ghi nhận: Mạch Liên - Nghệ sĩ thư pháp - Cô giáo, hai trong một ấy quyện với nhau trong một tâm hồn văn hóa Việt Nam, trở thành tâm huyết của một con người nơi miền nắng nóng và gió cát Phan Rang, Ninh Thuận. Từ một cô giáo trở thành Nghệ sĩ thư pháp tài hoa bắt nguồn từ sự đam mê với nghệ thuật, nảy mầm từ một người viết chữ đẹp - Cùng thăng hoa, bay bổng, sống động, lãng mạn... giàu tính nhân văn; vươn tới đỉnh cao của “chân - thiện - mỹ”. Qua lời giới thiệu của Nhà thơ Trần Tuấn Hùng cho thấy nghệ thuật thư pháp Mạch Liên đạt đến đỉnh cao của lòng đam mê cái đẹp, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Nghệ thuật thư pháp tích cực góp phần vun đắp giá trị “chân- thiện - mỹ” cho con người, làm phong phú đời sống tinh thần trong đời sống xã hội hiện đại.
Với chủ đề Một thoáng mười năm thư pháp Việt, Nhà thư pháp Mạch Liên dành 12 trang sách in gần 30 bức ảnh màu sinh động, tươi đẹp. Tác giả kể câu chuyện bằng hình ảnh hoạt động thư pháp Việt trên địa bàn tỉnh qua hơn mười năm hình thành và phát triển gắn với hoạt động Câu lạc bộ Thư pháp Việt thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh. Hình ảnh ghi lại dấu ấn Nhà thư pháp Mạch Liên mở lớp dạy thư pháp miễn phí đầu tiên vào giữa năm 2011 thu hút trên 70 học viên trên địa bàn tỉnh. Qua hơn mười năm “truyền lửa”, toàn tỉnh đã có trên 500 người tham gia các lớp học viết thư pháp Việt. Phần ảnh ghi lại hoạt động các nhà thư pháp Việt cho chữ chúc phúc đầu năm tại Hội Báo Xuân Ninh Thuận, Ngày Thơ Việt Nam, Phố Ông Đồ, chương trình “Xuân yêu thương” tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh...
Phần thư pháp đời thường, tác giả Mạch Liên dành 140 trang in giới thiệu 180 bức thư pháp Việt với bút pháp đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật viết chữ làm rung động lòng người thưởng ngoạn. Các tác phẩm thư pháp được chị viết công phu, nét bút nhấn nhá đậm nhạt thể hiện bút lực tròn đầy trong từng con chữ với nhiều chất liệu mực tàu viết trên giấy, màu Acrylic viết trên bố. Mở đầu tập sách, Nhà thư pháp Mạch Liên câu đối thể hiện lòng biết ơn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng Việt Nam trở thành nước độc lập, tự do, giàu mạnh: “Ái Quốc vô song thiên hạ kính/Chí Minh bất diệt thế giới tôn”. Tập sách “Tiếng đàn trong sen” ra mắt vào dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện lòng biết ơn vô hạn của tác giả đối với sự nghiệp cách mạng vĩ đại hết lòng vì dân vì nước của Người. Mỗi bức thư pháp được tác giả lao tâm khổ tứ thể hiện từ những con chữ quốc ngữ trở thành tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Thư pháp Mạch Liên tập trung các đề tài chính là tình yêu quê hương, đất nước, cha mẹ, gia đình, tâm nhẫn phúc lộc... qua ca dao, tục ngữ, thơ ca: “Tống cựu nghênh tân mừng quốc thái/Dân an quốc thái đón thanh bình. Thương cha xuôi ngược giữa dòng/Mẹ yêu tất tả gánh gồng nuôi con. Ngàn năm hồ dễ ai thương mẹ/Như mẹ thương con giữa cuộc đời. Lắng nghe để hiểu/Nhìn lại để thương (Thích Nhất Hạnh). Quê hương mỗi người chỉ một/Như là chỉ một mẹ thôi (thơ Đổ Trung Quân). Mở rộng tâm ra lòng thanh thản/An vui tự tại đời thong dong. Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/Ta có thêm ngày nữa để yêu thương…”. Nhà thư pháp Mạch Liên gửi tặng “Tiếng đàn trong sen” cho Thư viện tỉnh và các thư viện trường học trên địa bàn tỉnh. Với vai trò Chủ nhiệm câu lạc bộ Thư pháp Việt, Nhà thư pháp Mạch Liên vừa được Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khen thưởng về thành tích thực hiện tốt công tác phục vụ các hoạt động tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Nhà thư pháp Mạch Liên chia sẻ niềm vui: Thư pháp Việt đối với tôi là niềm đam mê cháy bỏng, là một “thế giới bí ẩn” mà ai đã từng thâm nhập nghiên cứu khám phá bộ môn nghệ thuật này mới thấy sự huyền diệu của nó. Đâu phải chỉ có âm thanh phát ra từ tiếng đàn, người viết thư pháp khi chấp bút viết trên giấy cũng gần như đang tạo ra những vũ khúc, những giai điệu âm thanh từ bút pháp riêng của mỗi người. Nếu được nhìn nhận ở phạm trù mỹ thuật thì thư pháp Việt cũng là bộ môn nghệ thuật mang giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Qua nhiều năm nghiên cứu, truyền dạy bộ môn thư pháp Việt, được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh, tôi xuất bản tập sách “Tiếng đàn trong sen” với ước mong đưa bộ môn Thư pháp Việt ngày càng phát triển bền vững trong đời sống văn hóa tỉnh nhà.
Sơn Ngọc