Du lịch Ninh Thuận từng bước khẳng định vị thế

Sau 29 năm tái lập tỉnh, từ chỗ gần như không có gì về cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch (DL) cũng như sản phẩm DL, đến nay, DL Ninh Thuận đã có những bước phát triển ấn tượng.

Đột phá “ngành công nghiệp không khói”

Tháng 4-1992, trong điều kiện một tỉnh mới chia tách, điểm xuất phát thấp, xa các trung tâm kinh tế lớn, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật còn hạn chế... việc xây dựng, phát triển DL của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với chủ trương khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển DL, đưa DL trở thành ngành kinh tế quan trọng, những năm qua tỉnh đã cụ thể hóa và ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch cụ thể để đẩy mạnh phát triển DL. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý; đổi mới cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành DL phát triển. Đồng thời mở rộng, khai thác thêm rất nhiều sản phẩm DL phong phú, đặc sắc, được hình thành từ chính những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Nhờ đó, từ một tỉnh không có trên bản đồ DL Việt Nam, đến nay, Ninh Thuận đã trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực Nam Trung Bộ và cả nước.

Toàn cảnh vịnh Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) nhìn từ trên cao. Ảnh: Thái Huy

Điểm qua những dấu ấn của ngành DL đạt được, cho thấy thương hiệu DL Ninh Thuận đang từng bước định vị trên “bản đồ” DL Việt Nam và thế giới. Nhiều địa danh, điểm đến DL Ninh Thuận đã lọt vào Top “bản đồ” DL thế giới, “bản đồ” DL Việt Nam. Mới đây, Tạp chí Forbes Life (Mỹ) đã chọn Khu nghỉ dưỡng Amanoi tại khu vực thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) trong Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới; hay cung đường “Bình Tiên - Vĩnh Hy” được cộng đồng “phượt” bình chọn là cung đường đẹp nhất Việt Nam... Không chỉ các doanh nghiệp lữ hành DL lớn của Việt Nam đều đưa khách hoặc ký kết với các doanh nghiệp DL địa phương để đưa khách trong nước và quốc tế đến với Ninh Thuận; nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực bất động sản DL như: Vinpearl, FLC, Crystal Bay, T&T... những con sếu đầu đàn trong cả nước về Ninh Thuận “làm tổ”. Điển hình như Tập đoàn Crystal Bay, tập đoàn này đang đầu tư vào Ninh Thuận 4 dự án lớn, với quy mô lên tới 10.000 phòng khách sạn 4-5 sao, trong đó có tổ hợp SunBay Park Hotel & Resort quy mô 3.300 phòng khách sạn 5 sao. Hiện nay, SunBay Park Hotel & Resort đã xây dựng được 21 tầng, dự kiến năm 2022 đưa vào sử dụng, mang đến những tổ hợp nghỉ dưỡng giải trí biển tiêu chuẩn quốc tế nổi bật ở Duyên hải miền Trung, tạo điểm nhấn riêng biệt cho DL Ninh Thuận.

Với các dự án trọng điểm của các ông lớn ngành DL trong và ngoài nước đổ bộ vào tỉnh đã thúc đẩy DL tỉnh có bước nhảy vọt. Trong giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng trưởng DL có bước đột phá và ngoạn mục hơn, luôn duy trì phát triển ổn định ở mức hằng năm 2 con số trở lên; lượt khách tăng trưởng bình quân 16%/năm, doanh thu DL tăng trưởng bình quân 17,7%/năm. Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 150 cơ sở lưu trú du lịch tương ứng 3.300 phòng, với số phòng có chất lượng đạt tiêu chuẩn tương đương 3 sao trở lên chiếm trên 40%. Đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã có 57 dự án DL được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn 29,6 ngàn tỷ đồng, đây là các dự án tạo ra nhiều diện mạo mới hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng DL bền vững trong tương lai.

Bước sang trang mới

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu Chương trình hành động số 134-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển DL thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng tâm đến năm 2025, đón 3,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 7-8%, ngành DL đóng góp 13% GRDP, doanh thu đạt khoản 2.900 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 15% lao động của toàn tỉnh; đến năm 2025 đưa DL Ninh Thuận cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Khá đông du khách đến tham quan tại Tháp PoKlong Garai (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: Văn Nỷ

Để đạt được mục tiêu, hiện nay, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các đơn vị tư vấn xây dựng: Đề án phát triển DL Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 trình cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành. Mục tiêu đưa DL trở thành ngành mũi nhọn trong kinh tế Ninh Thuận. Khẳng định và nhấn mạnh thương hiệu, hình ảnh của Ninh Thuận trong DL Việt Nam. Đưa ra các định hướng phát triển DL khả thi, các định hướng khai thác tài nguyên toàn diện và độc đáo; bổ sung các sản phẩm DL mới lạ, hấp dẫn cho Ninh Thuận. Xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn trong chuỗi DL của cả nước, nhất là khu vực Duyên hải miền Trung.

Cùng với đó, ngành cũng đang tham mưu cho UBND tỉnh vận dụng có hiệu quả các nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển DL và Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện một số cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chính sách phát triển DL. Cụ thể là việc tranh thủ các nguồn vốn trung ương, địa phương đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành DL; đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển DL; tăng cường xúc tiến quảng bá DL; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển DL; tạo ra nhiều sản phẩm DL mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và nguồn nhân lực DL; phát triển DL đẳng cấp cao; tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, đặc biệt là việc đăng cai tổ chức các sự kiện lớn về văn hóa, thể thao, DL; hình thành các sản phẩm DL chủ lực theo nhu cầu, thị hiếu của du khách và có sức cạnh tranh cao; chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tiếp tục có các cơ chế, chính sách thuận lợi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, kêu gọi thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong DL đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí, trung tâm mua sắm, ẩm thực; đẩy mạnh đầu tư tuyến đường ven biển tạo thành chuỗi dịch vụ - thể thao - giải trí cao cấp, hấp dẫn... tất cả đều hướng đến mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển DL, dịch vụ và sớm đưa DL Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tỷ trọng lớn trong GRDP của nền kinh tế tỉnh nhà.