Ninh Hải phát huy truyền thống anh hùng, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển

Huyện Ninh Hải nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh, là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn Ninh Hải đã anh dũng, kiên cường và có nhiều đóng góp cho cách mạng. Từ sau ngày quê hương được giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tiếp tục đoàn kết, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, phát huy các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Truyền thống hào hùng

Ninh Hải có diện tích tự nhiên 253,58 km2, với dân số hơn 94.000 người, trong đó dân tộc Kinh chiếm 91,9%; Chăm khoảng 7,23%; Raglai khoảng 0,53%. Trước năm 1945, Ninh Hải là nơi khởi phát nhiều tổ chức và phong trào cách mạng như: Chi bộ Đảng Tân Việt, Chi bộ Đảng Cộng sản, các Hội quần chúng... Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước, Ninh Hải tiếp tục là địa phương có phong trào cách mạng sôi nổi, gắn liền với những địa danh nổi tiếng như: Phương Cựu, Dư Khánh, Mỹ Tường, Thái An, Vĩnh Hy, CK19, căn cứ Cà Đú...

Phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất trong hai cuộc kháng chiến, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tăng cường khối đại đoàn kết, không ngừng sáng tạo, đổi mới, phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện, xây dựng quê hương Ninh Hải ngày càng phát triển, giàu đẹp và văn minh.

Toàn cảnh huyện Ninh Hải. Ảnh: Thái Huy

Chứng kiến sự đổi thay, vươn mình khởi sắc, những người đã gắn bó với Ninh Hải không khỏi tự hào. Nhớ lại Ninh Hải những ngày trước năm 2010, ông Trần Ngọc Luận, nguyên Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải kể: Trước đây, đường sá đi lại khó khăn, dân trí chưa cao, nền KT-XH của huyện khó khăn. Thu ngân sách của những năm đó rất khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 10 tỷ đồng/năm vì nguồn thu bấp bênh, chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, đánh bắt thủy sản và một phần rất nhỏ của du lịch. Sau này, các tuyến đường ven biển, cầu An Đông được xây dựng mở ra cơ hội phát triển cho huyện.

Phát huy nội lực phát triển kinh tế biển

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong huyện đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương, phát huy nội lực, đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển. Trong đó hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc, nhiều dự án được đầu tư, đưa vào sử dụng như: Khách sạn Sài Gòn - Ninh Chữ, Sunrise, Khu nghỉ dưỡng Amanoi, khu đón tiếp dịch vụ du lịch Vĩnh Hy; Khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp Núi Chúa giai đoạn 1... đã làm thay đổi diện mạo du lịch Ninh Hải. Theo thống kê, từ năm 2015 đến đầu năm 2020, toàn huyện đón 5,1 triệu lượt khách, tổng doanh thu trên 2.887 tỷ đồng, giải quyết trên 8.800 lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Hệ thống giao thông phục vụ phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh được xây dựng, đưa vào sử dụng tuyến đường ven biển, cầu Ninh Chữ, cầu Vĩnh Hy, cầu tàu và tuyến đường dân sinh khu vực Bãi Kinh đã tạo hành lang kết nối khu vực kinh tế biển, thuận lợi cho việc lưu thông, phát triển du lịch.

Cơ sở hạ tầng tuyến đường ven biển huyện Ninh Hải được đầu tư đồng bộ thu hút nhiều du khách đến tham quan. Ảnh: Văn Nỷ

Bên cạnh đó, ngành thủy sản phát triển mạnh, trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản bình quân trên 600 ha, năng lực tàu thuyền có 860 chiếc/125CV, với công suất bình quân 138,29 CV/chiếc. Sản xuất muối diêm dân phát triển cả về diện tích và chất lượng, với 652 ha, sản lượng đạt 295.000 tấn/năm. Những năm gần đây, bên cạnh nghề sản xuất muối truyền thống trên nền đất, nhiều diêm dân đã đầu tư công nghệ sản xuất muối sạch trải bạt ni lông, sản xuất muối kết tinh nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Từ một huyện nghèo, Ninh Hải đang từng bước chuyển mình khởi sắc, khang trang, ngày càng hiện đại và văn minh. Tổng thu ngân sách từ năm 2015-2020, đạt 505,23 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2020 thu 110/70 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với năm 2015. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về phát triển KT-XH, nâng cao đời sống Nhân dân.

Có thể thấy rằng, thành quả ngày hôm nay là những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và lớp lớp các thế hệ người dân Ninh Hải trong suốt 46 năm qua khi đã luôn phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị; của các tầng lớp xã hội và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Đặc biệt là huy động được sự đồng tình, ủng hộ, trách nhiệm của cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân, tổ chức KT-XH, Nhân dân trên địa bàn chung tay xây dựng, thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu mà các kỳ Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.

Bước sang tuổi 60, ông Nguyễn Văn Nên, thôn Tri Thủy 2, xã Tri Hải là người gắn bó và chứng kiến những đổi thay ở mảnh đất này. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông không giấu niềm tự hào về những đổi thay của quê hương. Cách đây hơn chục năm, cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn lắm, nhưng giờ Ninh Hải khá nhiều rồi. Nhân dân không chỉ phát huy lợi thế đánh bắt hải sản, làm muối, mà còn đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản, nhà cao tầng cứ thế mọc lên, cuộc sống của người dân giờ đầy đủ hơn nhiều.

Bước vào giai đoạn 2020-2025, đứng trước những thuận lợi và thách thức, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện định hướng rõ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong giai đoạn mới. Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Bí thư Huyện ủy Ninh Hải, cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, Ninh Hải đang có nhiều vận hội mới, nhưng cũng không ít thách thức. Với tiềm năng thế mạnh của địa phương, huyện tiếp tục phát huy truyền thống quật cường, đoàn kết vượt qua thách thức, phát huy hiệu quả các nguồn lực để phát triển KT-XH nhanh, bền vững. Tập trung phát triển kinh tế biển và du lịch, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ 38%, công nghiệp - xây dựng 38%, giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 12-13%. Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 78 triệu đồng, thu ngân sách đạt 135 tỷ đồng; đưa Ninh Hải trở thành huyện nông thôn mới nâng cao gắn với quá trình đô thị hóa.