Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nỗ lực phấn đấu vươn lên của Nhân dân, trong những năm qua, nhất là sau 29 năm tái lập tỉnh, ngành Nông nghiệp đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong bối cảnh hạn hán kéo dài do tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã phân tích, đánh giá và nhận thấy nông nghiệp còn tồn tại một số hạn chế cơ bản: Tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành chủ yếu dựa vào tăng sản lượng do mở rộng quy mô sản xuất; hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu là hộ gia đình, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa chủ lực tập trung; chất lượng sản phẩm không đồng đều, chế biến còn hạn chế, giá trị gia tăng thấp... Qua đó, đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 để xây dựng nền kinh tế nông nghiệp hiệu quả, khả năng cạnh tranh cao và bền vững; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10-10-2016 về nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp để giải quyết các hạn chế, khó khăn, thách thức trên.
Mùa vàng. Ảnh: Thái Huy
Kể từ khi Nghị quyết số 09 và Nghị quyết số 05 đi vào cuộc sống, điểm nhấn trong bức tranh nông nghiệp tỉnh nhà đó là thực hiện có hiệu quả khâu đột phá về đầu tư hạ tầng thủy lợi, nâng diện tích đất trồng trọt chủ động nước tưới đến nay lên 60%; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ đối với sản xuất các sản phẩm đặc thù, lợi thế của tỉnh cũng tạo chuyển biến tích cực. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được các khu sản xuất nho, táo, măng tây xanh tập trung sử dụng giống mới, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước. Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, nông nghiệp đã vươn ra “biển lớn” với việc triển khai thành công mô hình cánh đồng lớn ứng dụng công nghệ cao. Tính đến đầu năm 2021, toàn tỉnh triển khai được 30 cánh đồng lớn sản xuất lúa, bắp, măng tây xanh, nho, với tổng diện tích hơn 3.642 ha. Kết quả thực hiện mô hình cánh đồng lớn đã mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp theo quy mô tập trung, hàng hóa. Từ làm tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, công tác chuyển đổi cây trồng cạn cũng đạt được nhiều kết quả. Chỉ tính riêng năm 2020 đã chuyển đổi được 1.528 ha cây trồng cạn, vượt 44,57% kế hoạch; trong đó, chuyển đổi từ đất lúa 1.079,9 ha, đất khác 448,1 ha.
Nhìn nhận vai trò của doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, hình thành các dự án lớn. Nếu như trước năm 2015, các cá nhân, tổ chức chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thì đến nay tình hình đã khả quan hơn, nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao đi vào hoạt động, tạo đột phá mới. Các dự án Xây dựng Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh triển khai tại xã Phước Tiến (Bác Ái), quy mô 300 ha; Dự án trồng lan cấy mô trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao quy mô 2,6 ha tại xã Quảng Sơn, Lâm Sơn (Ninh Sơn) đã khai thác được tiềm năng lợi thế phát triển các loại cây trồng đặc thù của tỉnh có giá trị kinh tế cao, doanh nghiệp đảm nhiệm vai trò quan trọng dẫn dắt nông nghiệp phát triển. Việc Công ty TNHH Công nghệ cao Ninh Thuận Agritech đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến thức ăn công nghiệp gia súc tại xã Phước Tiến (Bác Ái) công suất 3.000-5.000 tấn/ngày; Công ty Cổ phần Fococev Ninh Thuận xây dựng Nhà máy chế biến tinh bột sắn tại xã Phước Tiến (Bác Ái), công suất 200 tấn thành phẩm/ngày kéo theo hình thành vùng sản xuất cây nguyên liệu ứng dụng công nghệ cao phục vụ nhà máy chế biến, tạo sinh kế cho Nhân dân trong khu vực. Không dừng lại đó, từ cơ chế, chính sách thông thoáng, đã tạo làn sóng đầu tư vào lĩnh sản xuất giống thủy sản, góp phần đưa tỉnh ta trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước.
Công nhân Công ty Nắng và gió thu hoạch Dưa lứa ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Văn Nỷ
Đến nay sản xuất nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu. Giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 7-8%/năm; giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt hơn 125 triệu đồng/năm, tăng 4,2 lần so với năm 2015. Từ triển khai nhiều mô hình có hiệu quả, sản xuất nông nghiệp tạo nên sự khác biệt với việc sản xuất những sản phẩm đặc thù có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Năm 2020, tỉnh đã chỉ đạo khảo sát, lựa chọn, xác định được 12 sản phẩm đặc thù và 62 sản phẩm OCOP có lợi thế cạnh tranh để tập trung đầu tư phát triển. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã đạt được mục tiêu của cơ cấu lại ngành Nông nghiệp là nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho nông dân. Giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bình quân đạt 160-180 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều lần so với các vùng sản xuất theo phương thức truyền thống.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến là một trong những lĩnh vực trọng điểm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới. Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, các cấp, các ngành đang triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm với tinh thần khẩn trương, quyết tâm đạt được nhiều thắng lợi. Có thể nói, với định hướng đúng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV sẽ tạo động lực mới cho nông nghiệp phát triển toàn diện hơn trong giai đoạn mới.
Tuấn Anh