Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Nâng tầm thương hiệu Việt

Qua gần 12 năm triển khai, Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, người tiêu dùng và doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã hưởng ứng tích cực.

Khẳng định vị thế với người tiêu dùng

Dạo quanh các cửa hàng tạp hóa, đại lý, siêu thị, chợ trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy nhiều mặt hàng có xuất xứ trong nước được trưng bày rất phong phú với hình thức bắt mắt, chiếm ưu thế trên kệ trưng bày, nhờ đó, thu hút đông đảo người tiêu dùng đến lựa chọn và mua sắm. Có mặt tại siêu thị Co.opmart Thanh Hà (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), hầu hết người tiêu dùng đều rất hài lòng và yên tâm với chất lượng, giá cả các sản phẩm mang thương hiệu “Made in Vietnam”. Chị Nguyễn Thị Thu Phương, phường Đài Sơn (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) cho biết: Mua và sử dụng các mặt hàng Việt Nam đã trở thành thói quen của gia đình từ lâu nay. Không chỉ ủng hộ cho DN trong nước phát triển, góp ích cho sự phát triển đất nước mà còn bởi hàng hóa Việt có chất lượng tốt, hình thức đẹp mà giá cả lại hợp lý.

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tại siêu thị Co.opmart Thanh Hà. Ảnh: Phan Bình

Hiện nay do nắm bắt được thị hiếu ưa chuộng các sản phẩm hàng Việt của người tiêu dùng, mà nhiều chủ đại lý, cửa hàng tạp hóa cũng có xu hướng tăng mạnh số lượng, đa dạng các sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam để phục vụ cho người dân. Trong đó các sản phẩm được ưa chuộng vẫn thuộc về nhóm sản phẩm gia dụng, may mặc, thực phẩm. Đồng chí Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: CVĐ đã tạo nên làn sóng dùng hàng nội, thay đổi xu hướng lựa chọn mua sắm của người tiêu dùng. Qua số liệu báo cáo, hiện nay, tỷ lệ hàng hóa trong nước được trưng bày tại các điểm kinh doanh, siêu thị, chợ trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ trên 90% và có trên 95% người tiêu dùng trong tỉnh quan tâm và sử dụng hàng Việt. Đáng chú ý, nhiều DN bán lẻ phát triển tại tỉnh ta như: Co.opmart, VinMart, Bách Hóa Xanh... đều mở rộng chuỗi cung ứng sản phẩm, qua đó, góp phần đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng cũng như khẳng định vị thế trên thị trường.

Tiếp tục lan tỏa cuộc vận động

Những con số đạt được nói trên đã thể hiện chân thực xu hướng chiếm lĩnh thị trường của hàng Việt. Đây là “quả ngọt” từ sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền cùng sự phối hợp của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong triển khai hiệu quả các giải pháp, trong đó phải nhắc đến vai trò của Ban Chỉ đạo CVĐ trong quản lý, thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể, Ban Chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, hội viên và người dân về vai trò, ý nghĩa, tác động của CVĐ đối với việc phát triển kinh tế - xã hội. Phối hợp tổ chức hiệu quả các chương trình triển lãm, hội chợ, phiên chợ, thu hút đông đảo người dân tham gia. Tạo điều kiện cho DN, các cơ sở sản xuất có môi trường kinh doanh thuận lợi, mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất những sản phẩm đặc trưng, góp phần xây dựng thương hiệu hàng Việt. Trong năm 2020, mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19, nhưng thông qua CVĐ đã tổ chức thành công 2 hội chợ; 6 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, thu hút gần 13 ngàn lượt khách hàng tham quan, mua sắm; xây dựng 3 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP, đặc thù của tỉnh tại Resort Vĩnh Hy, Chợ đêm du lịch và tháp Po Klong Garai. Đặc biệt trong những năm qua, nhờ vào việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu và nâng cao chất lượng các sản phẩm đặc thù như: nho, táo, tỏi, rong sụn, măng tây, nước mắm... mà các DN trong tỉnh đã tìm được kênh phân phối đưa vào các chuỗi cung ứng, hệ thống bán lẻ, qua đó từng bước nhận được sự quan tâm, yêu mến và ủng hộ của đông đảo người tiêu dùng.

Du khách chọn mua sản phẩm tại điểm bán sản phẩm OCOP ở khu du lịch Tháp Po Klong Garai. Ảnh: Hồng Nguyệt

Nhằm phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo tiếp tục quán triệt và tăng cường tuyên truyền Kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị, Kết luận số 107-KL/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 24/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện CVĐ đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyền truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam; các sở, ban, ngành liên quan tham mưu bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ DN trong các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, chợ truyền thống; mở rộng xây dựng mô hình thí điểm về Điểm giới thiệu, bán sản phẩm đặc thù; định kỳ, đột xuất kiểm tra, giám sát để bảo đảm chất lượng sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm; thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm của hàng hóa và kiên quyết xử lý hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm tạo lòng tin và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.