Mô tả cây
Bồ kết là một cây to cao chừng 6-8m, trên thân có những túp gai có phân nhánh, dài tới 10-15cm. Lá kép lông chim, cuống chung có lông và có rãnh dọc, 6 đến 8 đôi lá chét, hình trứng, dài 25mm, rộng 15mm. Hoa màu trắng khác gốc hay tạp tính, mọc thành chùm hình bông. Quả giáp, dài 1-12cm, rộng 15-20mm, hơi cong hình lưỡi liềm hay thẳng, quả mỏng nhưng ở những nơi có hạt thì nổi phình lên, trên mặt quả có phủ lớp phấn màu xanh nhạt. Trong quả có 10-12 hạt dài 10mm, rộng 7mm, dày 4mm, màu vàng nâu nhạt. Mùa bồ kết tháng 10-11.
Công dụng và liều dùng
Nước bồ kết gội đầu, giặt quần áo lụa, len có màu không bị ố. Bồ kết (bỏ hạt hoặc đốt ra than hoặc tán nhỏ làm thành viên hay thuốc bột) có vị cay, mặn, tính ôn hơi có độc, vào 2 kinh phế và đại tràng. Có tác dụng tiêu đờm, sát trùng, làm cho hắt hơi dùng chủ yếu chữa trung phong cấm khẩu phong tê, tiêu đồ ăn, đờm xuyễn thũng, sáng mắt, ích tinh.
Liều dùng hằng ngày 0,5 đến 1g dưới dạng thuốc bột hay đốt ra than mà dùng, hoặc thuốc sắc.
Hạt bồ kết có tác dụng thông đại tiện, bí kết, chữa mụn nhọt, dùng với liều 5-10g dưới dạng thuốc sắc.
Gai bồ kết chữa ác sang tiêu ung độc, làm xuống sữa. Liều dùng 5-10g dưới dạng thuốc sắc.
Đơn thuốc có bồ kết
Thuốc chữa ho: Bồ kết 1g, quế chi 1g, đại táo 4g, cam thảo 2g, sinh khương 1g, nước 600ml, sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày.
Chữa nhức răng, sâu răng: Quả bồ kết tán nhỏ, đắp vào chân răng, hễ chảy dãi ra thì nhổ đi.
Chữa trẻ con chốc đầu, rụng tóc: Bồ kết đốt ra than, tán nhỏ, dùng hồ nếp viên bằng hạt ngô. Ngày dùng 10-20 viên, dùng nước chè đặc mà chiêu thuốc.
Chữa phụ nữ sưng vú: Gai bồ kết thiêu tồn tính 40g, bạng phấn 4g. Hai vị đều tán nhỏ, trộn đều, mỗi lần uống 4g bột này.
Đức Doãn (Theo Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam)