Xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước

Bài 1: Kết quả sau 10 năm thực hiện Đề án phát triển giống thủy sản

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với chương trình thích ứng biến đổi khi hậu. Từng bước hình thành các vùng nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, xuất khẩu và phát triển du lịch. Tiếp tục xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước…

Ngay sau khi Đại hội thành công, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện quyết liệt.

Tỉnh ta được thiên nhiên ưu đãi với nguồn nước ven bờ biển trong sạch, giàu dinh dưỡng, có độ mặn cao và ổn định quanh năm thuận lợi cho hoạt động sản xuất giống thủy sản, nhất là sản xuất tôm giống. Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, ngày 1-12-2011, UBND tỉnh ra Quyết định số 66/2021/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển giống thủy sản đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 theo hướng CNH, HĐH. Sau 10 năm triển khai thực hiện, đến nay đề án đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Đề cập đến kết quả thực hiện Đề án phát triển giống thủy sản, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản III nhìn nhận, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận có khát vọng đưa nghề sản xuất tôm giống vươn lên vị thế hàng đầu của cả nước, thông qua chỉ đạo công tác quy hoạch đã mở ra không gian phát triển mới. Tiến sĩ viện dẫn, Khánh Hòa trước đây là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản xuất giống thủy sản, nhưng do chậm làm quy hoạch, nên khi tốc độ độ thị hóa nhanh đã thu hẹp quỹ đất, phải nhường ngôi cho Ninh Thuận. Cụ thể, Ninh Thuận đã thành công trong quy hoạch 2 vùng sản xuất giống thủy sản tập trung (An Hải và Nhơn Hải) quy mô 225 ha, sản lượng hàng năm trên 42 tỷ con post, đưa địa phương trở thành trung tâm sản xuất tôm giống lớn nhất cả nước. Bên cạnh đó, Ninh Thuận còn được biết đến là địa phương duy nhất cả nước sản xuất được tôm sú bố mẹ và tôm thẻ chân trắng gia hóa với sản lượng 80.000 con/năm, góp phần khắc phục tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu tôm giống bố mẹ.

 

Nhân viên kỹ thuật Công ty Cổ phần đầu tư S6, xã Nhơn Hải (Ninh Hải) kiểm tra chất lượng tôm giống. Ảnh: Hồng Lâm

Từ việc hoạch định chiến lược phát triển bền vững, tỉnh ta đã thu hút được các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty TNHH Việt - Úc... đầu tư vào các vùng sản xuất giống thủy sản tập trung với quy mô lớn nuôi tôm công nghệ khép kín quy trình từ thức ăn con giống, nuôi thương phẩm, chế biến, xuất khẩu, góp phần làm cho ngành tôm Ninh Thuận nói riêng, cả nước nói chung ngày càng phát triển lớn mạnh. Công nghệ sản xuất tôm giống đến nay đã hoàn thiện, ứng dụng thành công kỹ thuật tiên tiến như máy cấy tinh cho tôm mẹ, kỹ thuật cho tôm sinh sản và ương nuôi ấu trùng đã được phổ biến rộng rãi, nâng cao năng lực sản xuất. Hệ thống bể ương nuôi ấu trùng không ngừng được điều chỉnh, cải tiến cho phù hợp và hoàn thiện hơn. Hệ thống lọc nước tuần hoàn, xử lý tia UV, ozon, lọc áp lực trước khi vào khu sản xuất cũng là yếu tố góp phần làm cho tôm giống Ninh Thuận đảm bảo sạch bệnh.

Đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Sau 10 năm thực hiện Đề án, ngành Tôm giống đã phát triển lên tầm cao mới thông qua tổ chức lại sản xuất theo hình thức liên doanh, liên kết các cơ sở nhỏ thành cơ sở lớn nhằm huy động nguồn lực tài chính, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, năng lực cạnh tranh. Hiệp hội Giống thủy sản làm tốt vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản. Hiệp hội đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của hội viên, ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Một số công ty có tiềm lực kinh tế, sản xuất quy mô lớn chú trọng xây dựng chiến lược phát triển thị trường, có hệ thống đại lý, nhân viên kinh doanh đến tận ao tiếp cận, triển khai các chính sách hỗ trợ người nuôi tôm.

Nỗ lực của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp đồng hành với người nuôi tôm đã góp phần làm nên thương hiệu tôm giống Ninh Thuận có chất lượng và uy tín trên thị trường. Thành công nối tiếp thành công, năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận. Hiện, Chi cục Thủy sản tỉnh đang triển khai thí điểm tại Công ty Cổ phần đầu tư S6 theo hướng kết hợp giữa Nhãn hiệu chứng nhận và tem điện tử truy xuất nguồn gốc; đồng thời, tiếp tục xem xét, thẩm định và cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận cho các doanh nghiệp đảm bảo điều kiện theo tiêu chí.

Có thể nói, sau 10 năm thực hiện Đề án phát triển giống thủy sản, hoạt động sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả khả quan, giá trị sản xuất trong giai đoạn 2010 - 2020 tăng bình quân 14,8%, cơ cấu cấu ngành Thủy sản chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng sản xuất giống, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế biển, làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.

-----------------------------
Bài 2: Cơ hội cho ngành sản xuất tôm giống cất cánh