Đến với huyện Ninh Phước vào những ngày trung tuần tháng 3, chúng tôi ghi nhận người dân các địa phương tập trung ra đồng chăm sóc 8.447 ha cây trồng vụ đông - xuân. Trong đó có 5.308 ha lúa chủ động tười từ hệ thống thủy lợi kênh Nam và các hồ trên địa bàn huyện đang vào giai đoạn làm đòng, thời tiết ấm áp ít sâu bệnh hại, hứa hẹn cho mùa vàng bội thu. Toàn huyện có 39.372 hộ, với 163.158 nhân khẩu sinh sống tập trung tại 66 thôn, khu phố thuộc địa bàn 9 xã, thị trấn. Đời sống của người dân tập trung chủ yếu nhờ thu nhập từ trồng trọt kết hợp chăn nuôi gia súc có sừng theo mô hình vỗ béo. Ninh Phước đã huy động nhiều nguồn lực giúp người nghèo có điều kiện sản xuất, cải thiện nhà ở, chăm sóc sức khỏe, học tập, tạo việc làm tăng thu nhập, vay vốn tín dụng ưu đãi.
Từ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước giúp người dân xã Phước Hữu (Ninh Phước) chăn nuôi gia súc có sừng tăng thu nhập, vuơn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh: S.Ngọc
Tính riêng giai đoạn 2016-2020, huyện huy động hàng chục tỷ đồng giúp các gia đình nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong đó, có 9,38 tỷ đồng từ Chương trình 135 của Chính phủ hỗ trợ xây dựng giao thông nông thôn, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Bà Châu Thị Xéo, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế cho biết nhờ chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước đã đầu tư xây dựng tuyến đường bê tông từ trung tâm xã xuống vùng sản xuất rau an toàn. Nhờ giao thông thuận lợi giúp Hợp tác xã Châu Rế đạt doanh thu năm 2020 trên 2 tỷ đồng, lợi nhuận 200 triệu đồng, trên 60 hộ thành viên có thu nhập cao. Từ nguồn vốn của Chính phủ, Mặt trận, các doanh nghiệp và mạnh thường quân hỗ trợ 15,52 tỷ đồng giúp 806 hộ nghèo cải thiện nhà ở, vươn lên thoát nghèo bền vững. Toàn huyện đã mua và cấp 29.137 thẻ BHYT cho người nghèo và 18.226 người thuộc hộ cận nghèo; thực hiện khám, chữa bệnh cho 110.092 lượt người nghèo với kinh phí 19, 51 tỷ đồng. Ngân sách hỗ trợ trên 6 tỷ đồng trợ giá điện sinh hoạt cho 1.387 lượt hộ nghèo; miễn giảm học phí cho 4.943 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí trên 11,21 tỷ đồng. Toàn huyện 6.819 lượt hộ nghèo và cận nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi 196,7 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất. Giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động trong nước và 95 lao động nước ngoài. Thu nhập bình quân người dân tăng từ 23,9 triệu đồng cuối năm 2015 lên 45,5 triệu đồng và tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 13,66% xuống còn 3,04% vào cuối năm 2020, góp phần xây dựng Ninh Phước đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào cuối năm 2019.
Thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, trên địa bàn huyện có nhiều hộ nghèo được chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể nhận đỡ đầu tạo điều kiện sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo. Năm 2018, các cơ quan, đơn vị đăng ký nhận đỡ đầu giúp đỡ 32 hộ nỗ lực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống và các xã, thị trấn nhận đỡ đầu giúp 288 hộ cận nghèo giảm nghèo. Năm 2020, các cơ quan, đơn vị giúp 12 hộ nghèo và các xã, thị trấn nhận đỡ đầu và 176 hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Mặt trận các cấp vận động đóng góp Quỹ Vì người nghèo đạt trên 4,3 tỷ đồng. Mặt trận huyện phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh trao tặng 10 con bò giống cho 10 hộ nghèo xã An Hải. Hội Nông dân huyện vận động hội viên đóng góp trên 20 triệu đồng trao tặng 2 con bò giống cho hội viên nông dân nghèo xã Phước Sơn. Đồng thời vận động các mạnh thường quân trao tặng 2 căn nhà tình thương trị giá trên 100 triệu đồng cho hai hộ nghèo ở Phước Thuận và Phước Hữu...
Đồng chí Bạch Văn Nguyên, Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Ninh Phước cho biết cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho hộ nghèo phát triển sản xuất - kinh doanh. Tập trung ưu tiên chương trình hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt, tạo sinh kế cho người nghèo tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Lồng ghép thực hiện các dự án kết hợp các chính sách hỗ trợ của nhà nước giúp hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phân nâng cao các tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Mục tiêu phấn đấu tạo việc làm mới hàng năm cho 2.900 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 1%/năm; nâng thu nhập bình quân đầu người đạt trên 84 triệu đồng vào năm 2025.
Sơn Ngọc