Với đặc thù khu vực miền núi, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, mục tiêu giúp bà con vươn lên ổn định cuộc sống, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo luôn được xã quan tâm, chú trọng. Bên cạnh sự hỗ trợ và những chính sách đặc thù của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số; cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tập trung thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 67-CT/TU của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, các hội, đoàn thể đã làm tốt vai trò phối hợp và quản lý hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ NHCSXH. Cùng với đó, thông qua tổ Tiết kiệm và Vay vốn tại các thôn, hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn xã được tiếp cận nhanh chóng vốn vay, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư vào phát triển sản xuất, xây dựng mô hình làm ăn phù hợp, cải thiện kinh tế gia đình.
Nhờ được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình ông Đạo Văn Lịch có điều kiện cải thiện kinh tế, ổn định cuộc sống.
Ông Đạo Văn Lịch, ở thôn Bỉnh Nghĩa là một trong những hộ vươn lên thoát nghèo từ vốn NHCSXH, chia sẻ: Kinh tế gia đình trước đây phụ thuộc chủ yếu vào 4 sào trồng lúa, do thường xuyên thiếu nước nên nhiều vụ phải ngưng sản xuất. Đến năm 2014, được NHCSXH tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng, tôi mua 2 con bò nuôi theo hình thức sinh sản, nhờ trồng cỏ và thực hiện tiêm phòng đầy đủ nên bò sinh sản nhanh, mỗi năm xuất bán đều cho lãi cao. Số tiền tích luỹ được từ nuôi bò, tôi trả hết nợ ngân hàng và tập trung cải tạo đất trồng lúa, áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất, cho năng suất bình quân đạt trên 6 tạ/sào/vụ; đồng thời, chính thức xoá tên khỏi danh sách hộ nghèo năm 2020. Cũng trong hoàn cảnh khó khăn tương tự, gia đình chị Mang Thị Liên, ở thôn Xóm Bằng nhờ được vay 90 triệu đồng từ chương trình tín dụng dành cho hộ mới thoát nghèo, chị đầu tư phát triển mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi có hiệu quả. Đến nay, chị sở hữu 7 con bò, 3 sào hành lá, mỗi năm cho thu nhập trên 60 triệu đồng, cuộc sống ngày một khấm khá hơn.
Ngoài 2 hộ trên, trên địa bàn xã Bắc Sơn còn có nhiều hộ khác nhờ được tiếp cận vốn vay đã có thêm điều kiện mua cây, con giống để phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Thông qua các chương trình giải ngân tín dụng của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thuận Bắc, đến nay, toàn xã Bắc Sơn có 2.428 lượt khách hàng thuộc hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi, với tổng dư nợ hơn 74,500 tỷ đồng, chiếm 26,24% doanh số cho vay toàn huyện; góp phần tích cực vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên 4%.
Bà Lượng Thị Gọn, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn, cho biết: Để thực hiện chương trình tín dụng đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng người dân đầu tư phát triển kinh tế đúng trọng tâm, trọng điểm; nâng cao hoạt động vay vốn ủy thác từ các hội, đoàn thể. Cùng với đó, nắm bắt các vấn đề khó khăn trong thực hiện vốn tín dụng để kịp thời đề xuất NHCSXH tháo gỡ, điều chỉnh phù hợp; đảm bảo 100% đối tượng hưởng lợi trên địa bàn xã khi có điều kiện đều được giải quyết hồ sơ, đề xuất NHCSXH tạo điều kiện vay vốn.
Hồng Lâm