Ngoài những cây truyền thống như: Bắp, đậu, chuối... vài năm gần đây người dân địa phương đưa vào trồng các loại cây ăn trái như: Bưởi da xanh, đu đủ, xoài Đài Loan, xoài Úc, mảng cầu... và áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước bằng hệ thống phun mưa và dẫn nước tự chảy từ trên núi xuống để tưới cho cây trồng. Nhờ đó, mặc dù bước vào mùa khô, nhưng những vườn cây ăn trái của các nông hộ vẫn phát triển tốt và cho thu nhập cao.
Mặc dù bước vào đầu mùa khô, nhưng vườn cây ăn trái gần 2,5 ha với các giống như: Bưởi da xanh, đu dủ, mảng cầu, điều và xoài Đài Loan trồng trên gò đồi của gia đình ông Đỗ Kim Tùng ở thôn Ma Rớ vẫn phát triển rất tốt. Để có được màu xanh tươi tốt trên nương rẫy, ông Tùng đã bỏ ra trên 100 triệu đồng để đầu tư hệ thống tưới phun mưa tưới cho cây trồng, nhờ đó giúp các loại cây ăn trái đạt năng suất cao hơn so với cách tưới truyền thống trước đây. Vụ mảng cầu, bưởi và đu đủ vừa qua, gia đình ông đã thu lãi trên 80 triệu đồng nhờ áp dụng mô hình tưới tiết kiệm. Ông Tùng phấn khởi: Trước đây tôi làm theo truyền thống là kéo ống từ dưới suối lên bơm nước cho từng gốc, cực quá nên tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhận thấy hiệu quả của hệ thống tưới thông minh, tưới phun mưa nên làm theo. Từ khi áp dụng mô hình đến nay đã được 2 năm, rất hiệu quả, cây cho nhiều trái, giúp kinh tế gia đình ngày càng khấm khá.
Vườn bơ của gia đình ông Mai Xuân Vũ ở thôn Ma Rớ phát triển tốt trong mùa hạn nhờ hệ thống tưới tự chảy.
Thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, hiện nay trên địa bàn xã Phước Thành có hơn 7 ha cây ăn trái được nông dân áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm nước. Thời điểm này, nắng hạn đã bắt đầu diễn ra, nhưng những vườn cây ăn trái của người dân vẫn xanh tốt, cho năng suất cao. Đến thăm vườn cây của gia đình ông Mai Xuân Vũ ở thôn Ma Rớ mới thấy cách làm sáng tạo cùng với tinh thần vượt khó của nông dân thời hiện đại. Để có nguồn nước ổn định tưới cho gần 1 ha các loại cây ăn trái như: Bơ, bưởi da xanh và mảng cầu, ông Vũ đã đầu tư 50 triệu đồng đưa nước từ khe núi tự chảy về tưới cho vườn cây, nhờ đó các loại cây trồng của gia đình ông phát triển rất tốt. Ông Vũ, tâm sự: Mình gắn với nghề nông cũng gần 10 năm trên vùng đất này rồi, ở đây nước sản xuất rất khó khăn do địa hình đồi núi. Chính vì thế mà nảy ra ý tưởng là lấy nước từ trên núi về để tưới cho cây trồng, chỉ có cách này thì sản xuất mới ổn định. Nghĩ là làm, năm 2019 ông đầu tư tiền để mua đường ống dài 1.200m lấy nước từ trên núi về phục vụ sản xuất.
Nhờ những cách làm sáng tạo cùng với tinh thần vượt khó trong sản xuất đã giúp nhiều hộ dân xã Phước Thành có thu nhập cao trong mùa nắng hạn. Đồng chí Chamaléa Tuynh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thành, cho biết: Thời gian qua, việc chuyển đổi các loại cây trồng ngắn ngày sang các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao và áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm nước trên địa bàn xã phát huy hiệu quả rõ rệt, nhiều vùng gò đồi trước đây khô cằn giờ đã phủ lên màu xanh tươi tốt của các loại cây ăn trái, qua đó giúp kinh tế của bà con ngày càng phát triển đi lên. Trong thời gian tới, xã sẽ đề xuất với huyện và tỉnh bổ sung nguồn vốn vay để bà con có vốn làm ăn, chuyển đổi cây trồng và áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước trong sản xuất, nhằm giúp nâng cao kinh tế gia đình.
Kha Hân