Dù mới được triển khai từ cuối năm 2019, song qua thực hiện, trong năm 2020 Ninh Phước đã có 14 sản phẩm OCOP tham gia đánh giá, chiếm 20,3% sản phẩm của tỉnh. Trong đó, có 1 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và 11 sản phẩm xếp hạng 3 sao.
Điều đáng chú ý là toàn bộ sản phẩm OCOP của Ninh Phước đều thuộc địa bàn xã Phước Thuận, xã vừa hoàn thành xây dựng đạt chuẩn NTM nâng cao. Ngoài các sản phẩm từ dê, cừu chiếm đa số, còn lại là sản phẩm nho và chế biến từ nho, trong đó xếp hạng 4 sao là nho Ba Mọi, xếp hạng 3 sao có các sản phẩm: Nho sấy, siro nho Phan Rang, rượu vang Phan Rang, rượu Brandy Ba Mọi. Các sản phẩm này đều của Công ty TNHH Sản xuất - thương mại - dịch vụ Ba Mọi (tức Trang trại nho Ba Mọi), một doanh nghiệp tư nhân ở thôn Hiệp Hòa, cũng là thôn đang tiến hành xây dựng thôn NTM kiểu mẫu. Đồng chí Huỳnh Ngọc Du, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Phước Thuận cho biết: “Cùng với táo, nho là cây trồng chủ lực của địa phương, các sản phẩm nho OCOP của Hiệp Hòa đều từ mô hình sản xuất an toàn ứng dụng kỹ thuật sản xuất theo chuẩn VietGAP”.
Sản phẩm nho của Công ty TNHH Sản xuất-thương mại-dịch vụ Ba Mọi là một trong số sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: V.Nỷ
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Ninh Phước, nho được trồng rải rác khắp các xã, thị trấn trong huyện với diện tích gần 470 ha, nhiều nhất là tại Phước Thuận (219,8 ha), kế đó là An Hải (80 ha), Phước Sơn (53,3 ha), Phước Dân (55 ha), Phước Hậu (27,1 ha), Phước Hữu (18,7 ha), Phước Hải (12 ha), Phước Thái (1,2 ha) và Phước Vinh (0,4 ha). Riêng Phước Thuận, trong diện tích nho trồng nói trên, có 152 ha nho NH 01-48; 20 ha nho NH 01-152; 3,2 ha nho rượu và còn lại là nho đỏ (Red Cardinal). Tại đây, bên cạnh Điểm du lịch miệt vườn của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Ba Mọi ở thôn Hiệp Hoà, còn có Điểm du lịch miệt vườn tại Vùng nho tập trung thôn Phước Khánh với diện tích 30,8 ha. Không chỉ cho trái ăn, nho bây giờ còn được tạo dáng thành nho kiểng – loại cây cảnh chơi các dịp lễ, Tết. Điển hình có HTX Nho cảnh Nho kiểng A8 và một số hộ ở địa phương.
Đến thôn Phước Khánh tìm hiểu về vùng trồng nho tập trung, chúng tôi được anh Nguyễn Văn Tài, Chi hội trưởng, Chi hội Nông dân thôn Phước Khánh, Tổ trưởng tổ nho, cho biết: Vùng trồng nho Phước Khánh có 131 hộ tham gia, có khoảng 20 hộ trồng nho theo hướng VietGAP, trong đó có 5 hộ liên kết với các doanh nghiệp. Qua thực hiện đề án vùng trồng nho tập trung, Phước Khánh đã từng bước nâng cao chất lượng, an toàn cho sản phẩm nho gắn với phát triển du lịch nhà vườn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, hướng đến nông dân là một doanh nghiệp trên đồng ruộng. Theo đồng chí Huỳnh Ngọc Du, để tiếp tục duy trì và nâng vị thế cây nho trong thời gian đến, Phước Thuận đang động viên các doanh nghiệp trên địa bàn như: Cơ sở Thiên Thảo (Vang nho), Nho khô Phan Rang... học tập, xây dựng, có sản phẩm nho OCOP đạt 3 sao, 4 sao, từng bước đưa thương hiệu nho vươn ra ngoài tỉnh.
Nông dân thôn Phước Khánh (Phước Thuận) chăm sóc cây nho giống mới NH 01-152.
Theo kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm nay, Ninh Phước sẽ trồng mới 4 ha, nâng diện tích trồng nho toàn huyện lên 475 ha. Từ câu chuyện sản phẩm nho OCOP, có thể thấy nho là một trong những cây trồng có vị thế quan trọng trong giai đoạn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn ở Ninh Phước. Cùng với các sản phẩm thịt dê, cừu, sau khi đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm nho và chế biến từ nho của Trang trại nho Ba Mọi có bước tiến về chất lượng, đa dạng mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, được các đơn vị phân phối, bán lẻ, lên sàn giao dịch thương mại điện tử, ký kết hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, nho chứng nhận OCOP của Ninh Phước vẫn còn những hạn chế, đó là quy mô diện tích, mô hình sản xuất theo hướng an toàn, tiêu chuẩn VietGAP của nho còn thấp, đơn cử cả huyện chỉ có 10 ha nho trồng VietGAP. Theo đó việc triển khai áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nho cũng hạn chế.
Nhằm khắc phục mặt hạn chế trên, theo đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ninh Phước, trong năm nay, Ninh Phước đề ra mục tiêu đưa OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng của huyện. Cụ thể tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp 8 sản phẩm thế mạnh, đặc thù của các địa phương, phấn đấu có 2-3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia (tức được xếp hạng 5 sao), trong đó có sản phẩm nho và chế biến từ nho. Để thực hiện mục tiêu trên, Ninh Phước tập trung huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất như: Thủy lợi, giao thông, điện nông thôn, chợ nông thôn, chợ nông sản và hạ tầng bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Qua đó góp phần triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong giai đoạn mới.
Bạch Thương