Với tiềm năng và lợi thế địa phương, nông dân thôn Tuấn Tú, xã An Hải đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng sang trồng măng tây xanh, tuy nhiên với quy mô sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ, năng suất chưa cao. Năm 2018, từ nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh, huyện đã tạo điều kiện cho 28 nông hộ vay vốn 30 triệu đồng/hộ để thực hiện dự án cải tạo vườn măng tây xanh. Nhằm giúp các nông hộ sử dụng nguồn vốn hiệu quả, Hội Nông dân xã phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn cho nông dân về kỹ thuật chăm sóc, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu hoạch... Dẫn chúng tôi đi thăm vườn măng tây của gia đình, Chị Thị Số, thôn Tuấn Tú cho biết: Trước đây, gia đình không có vốn nên chỉ đầu tư 1 sào măng tây xanh. Sau khi có nguồn vốn từ Quỹ HTND hỗ trợ, gia đình đã cải tạo lại vườn, mở rộng diện tích lên 2 sào. Hiện nay, toàn bộ diện tích măng tây xanh phát triển tốt và cho thu hoạch từ 10-15kg, bán với giá từ 50-80 ngàn, bình quân gia đình thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng.
Từ nguồn vốn Quỹ HTND nhiều hộ nông dân xã Phước Thuận có điều kiện phát triển chăn nuôi dê vỗ béo, mang lại hiệu quả kinh tế.
Cũng từ nguồn quỹ HTND, năm 2020, Hội Nông dân huyện Ninh Phước đã triển khai giải ngân 250 triệu đồng cho 9 hộ nông dân xã Phước Thuận tham gia dự án chăn nuôi dê vỗ béo. Có được nguồn vốn vay ưu đãi, các hộ nông dân mạnh dạn đầu tư làm chuồng trại, phát triển chăn nuôi dê vỗ béo kết hợp với trồng táo. Qua 1 năm thực hiện mô hình chăn nuôi dê vỗ béo đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp các hộ nông dân có nguồn thu nhập ổn định. Anh Huỳnh Minh Thuật, thôn Vạn Phước chia sẻ: Tuy mức vay chưa nhiều, nhưng nhờ nguồn vốn từ Quỹ HTND gia đình đã có thêm nguồn vốn để đầu tư chăn nuôi dê vỗ béo. Vừa qua, gia đình đã xuất bán lứa dê vỗ béo đầu tiên, sau khi trừ chi phí gia đình lãi hơn 10 triệu đồng và hiện tại đã tái đàn được 15 con dê.
Thực tế cho thấy nguồn vốn Quỹ HTND được triển khai thông qua các mô hình, dự án không chỉ giúp nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, mà còn giúp nông dân thay đổi tập quán, phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tạo sự liên kết giữa các nông dân cùng sở thích, cùng ngành nghề, tăng thu nhập cho từng hộ vay trong dự án. Các mô hình, dự án vay vốn góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ câu cây trồng, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng của nông dân.
Ông Đặng Văn Bình, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ninh Phước, cho biết: Từ hiệu quả thực tế của các mô hình, dự án được triển khai từ nguồn vốn Quỹ HTND trên địa bàn cho thấy đây thực sự là điểm tựa cho hàng trăm hộ nông dân có điều kiện mở rộng sản xuất. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Quỹ HTND huyện đã giải ngân 15 dự án, với số tiền 3,9 tỷ đồng cho 145 hộ vay. Nâng tổng dự nợ cho vay đến nay trên địa bàn huyện đạt trên 8 tỷ đồng, giải quyết 301 hộ vay để thực hiện 27 dự án. Trong đó, có 4 dự án trồng măng tây xanh tại xã An Hải và Phước Hải; 13 dự án chăn nuôi bò vỗ béo và sinh sản; 8 dự án nuôi dê vỗ béo và sinh sản; 1 dự án nuôi heo đen và 1 dự án nuôi cừu sinh sản. Đa số các dự án do Quỹ HTND huyện quản lý, đều được triển khai tại vùng dân cư tập trung, cùng đầu tư sản xuất một ngành nghề, lĩnh vực. Quá đó, giúp các thành viên trong cùng dự án chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Để nguồn vốn quỹ HTND phát huy hiệu quả, giải ngân đúng đối tượng, thời gian tới, Hội Nông dân huyện và cấp cơ sở tiếp tục lựa chọn những mô hình sản xuất có tính khả thi để triển khai thực hiện; vận động hội viên đóng góp xây dựng nguồn quỹ ở cơ sở cũng như tranh thủ các nguồn vốn ưu đãi khác như vốn để các mô hình, dự án giúp nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Đồng thời, tập hướng dẫn nông dân vay vốn sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư đảm bảo sinh lợi; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ việc sử dụng hiệu quả quỹ… Qua đó, tạo điểm tựa vững chắc cho các hội viên nông dân có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tiến Mạnh