Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Đẩy mạnh hỗ trợ nhân rộng các mô hình chuyển giao khoa học và công nghệ

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10-10-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức quán triệt đến toàn thể công chức, viên chức của đơn vị nắm vững quan điểm, mục tiêu, định hướng của Nghị quyết; từ đó, tranh thủ và lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ để tập trung thực hiện những chương trình, dự án thuộc lĩnh vực khuyến nông.

Từ việc triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, giúp nông dân nhanh chóng tiếp cận tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới, từng bước hình thành một số vùng sản xuất trên diện rộng, năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp không ngừng được nâng cao, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Để các mô hình khuyến nông ứng dụng công nghệ cao duy trì và nhân rộng, Trung tâm luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức khảo sát, lựa chọn địa điểm, thực trạng sản xuất ở từng khu vực trước khi triển khai mô hình; đồng thời, cử cán bộ bám sát thực tế cơ sở, đánh giá tính hiệu quả của từng mô hình để làm cơ sở nhân rộng; nhờ đó, tạo sự lan tỏa sâu rộng, được nông dân đón nhận và hưởng ứng tham gia.

Tiêu biểu trên lĩnh vực trồng trọt, từ kinh phí của Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong vụ đông - xuân 2018-2019, Trung tâm Khuyến nông triển khai thí điểm mô hình 0,6 ha lúa san phẳng mặt ruộng bằng tia lazer trong sản xuất cánh đồng lớn tại xã Phước Sơn (Ninh Phước), giúp thuận lợi trong việc cơ giới hoá, giảm lượng giống gieo từ 30-50%, hạn chế đáng kể cỏ dại, đưa năng suất lúa tăng khoảng 5-10% so với canh tác truyền thống. Từ hiệu quả ban đầu, mô hình nhanh chóng được mở rộng ra các xã trên địa bàn huyện Ninh Phước và xã Phước Chính (Bác Ái) với diện tích đến nay đạt 39,1 ha. Nhằm ứng phó hạn hán, mô hình tưới nước tiết kiệm trên 1.523 ha trên cây nho, táo, rau đậu các loại đã giảm đáng kể lượng nước tưới, duy trì sản xuất ổn định trong mùa khô.

Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, mô hình trồng bưởi da xanh VietGap của chị Nguyễn Thị Thủy,
ở thôn Đá Trắng, xã Phước Thái (Ninh Phước) sinh trưởng và phát triển tốt.

Đặc biệt, thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng cây ăn quả, cây công nghiệp và rau đậu, giảm tỷ trọng cây lương thực, Trung tâm đã thực hiện nhiều mô hình trồng mới và thâm canh cây chôm chôm, măng cụt, bơ sáp, bưởi da xanh… quy mô trên 65 ha, bước đầu khẳng định được giá trị kinh tế, tạo sự phấn khởi cho nông hộ tham gia. Chị Nguyễn Thị Thủy, ở thôn Đá Trắng, xã Phước Thái (Ninh Phước), chia sẻ: Năm 2019, gia đình tôi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 160 gốc bưởi da xanh trồng theo hướng VietGAP, ngoài được hỗ trợ 70% chi phí sản xuất, cán bộ khuyến nông thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên cây sinh trưởng và phát triển khá tốt, hứa hẹn đem lại thu nhập cao so với cây trồng khác.

Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, thông qua nguồn kinh phí Khuyến nông quốc gia phân bổ hàng năm và vốn chương trình Nông thôn miền núi, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ hàng chục nông hộ ở những khu vực có thế mạnh về chăn nuôi gia súc, đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các mô hình: Cải tạo chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; mô hình nuôi bò lai hướng thịt; mô hình cải tạo dê, cừu bằng phương pháp hoán đổi đực giống đã đem lại kết quả đáng ghi nhận, tạo bước đột phá mới trong nhận thức chăn nuôi của người dân; đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Về khai thác, đánh bắt thủy sản, nổi bật nhất là mô hình ứng dụng máy dò ngang đã phát huy hiệu quả trên từng chuyến biển, sản lượng tăng lên 1,5-2 lần so với khai thác thông thường, từ triển khai ở một số tàu ở xã Thanh Hải (Ninh Hải), đến nay đã có 652 tàu khai thác vùng khơi áp dụng mô hình. Cùng với đó, mô hình ứng dụng công nghệ đèn LES thay thế nguồn sáng truyền thống giảm đáng kể chi phí nhiên liệu; khuyến khích ngư dân mạnh dạn đầu tư công nghệ mới phục vụ khai thác xa bờ; đến nay, toàn tỉnh có 25 tàu cá áp dụng, tăng thu nhập cho chủ tàu và người lao động sinh sống vùng biển.

Nhìn chung, các mô hình đều mang lại tín hiệu tích cực, đa số nông dân đều biết áp dụng kỹ thuật mới, phù hợp với nhu cầu thực tế sản xuất hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh thành công đạt được, thì thói quen sản xuất truyền thống vẫn còn tồn tại, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi chi phí lớn, khiến người dân “e dè” không dám đầu tư. Đặc biệt, đầu ra sản phẩm chưa ổn định nên phần lớn các đề tài, dự án chỉ ở dạng mô hình, khả năng nhân rộng hạn chế, chưa đem lại kết quả như mong đợi.

Đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách hỗ trợ của tỉnh và lồng ghép nguồn vốn Trung ương để tiếp tục mở rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực đủ khả năng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến nông dân; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối thị trường tiêu thụ, tạo sức bật cho sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững.