Nghị định này quy định về: Quản lý các hoạt động giáo dục; thực hiện quy chế dân chủ trong quản lý các hoạt động giáo dục; trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục và người đứng đầu cơ sở giáo dục trong quản lý các hoạt động giáo dục; bảo đảm việc tham gia của học sinh, gia đình, xã hội trong quản lý các hoạt động giáo dục.
Một tiết học của lớp 1C trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN
Nghị định áp dụng đối với nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập, trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo độc lập, trường mầm non, lớp mầm non độc lập công lập (cơ sở giáo dục Mầm non); trường Tiểu học, trường Trung học Cơ sở, trường Trung học Phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học công lập (cơ sở giáo dục phổ thông); cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đảm bảo chất lượng giáo dục
Theo quy định, việc quản lý trong cơ sở giáo dục phải bảo đảm các yêu cầu sau: Thực hiện dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch về chất lượng giáo dục và điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, phù hợp với loại hình nhà trường, quy định của pháp luật về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.
Việc quản lý trong cơ sở giáo dục phải đảm bảo thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giáo dục bắt buộc đối với giáo dục Tiểu học, phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở và phân luồng học sinh sau Trung học Cơ sở theo quy định của pháp luật về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Cơ sở giáo dục thực hiện tuyển sinh theo yêu cầu phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi, thực hiện giáo dục bắt buộc đối với giáo dục Tiểu học, yêu cầu phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở theo quy định của pháp luật.
Cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên theo quy định của pháp luật được tự chủ xác định phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, đối tượng tuyển sinh, địa bàn tuyển sinh.
Về tổ chức hoạt động giáo dục, Nghị định quy định, cơ sở giáo dục được quyết định các phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Cơ sở giáo dục được chủ động liên kết với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các tổ chức, cá nhân và gia đình học sinh để tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương theo quy định của pháp luật.
Có trách nhiệm giải trình
Nghị định cũng nêu rõ, cơ sở giáo dục có trách nhiệm giải trình với xã hội, học sinh, cơ quan quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động theo quy định của pháp luật.
Nội dung giải trình gồm: Mục tiêu chất lượng giáo dục, kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch giáo dục của nhà trường, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, kết quả đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục; hoạt động tuyển sinh, hoạt động giáo dục, quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục; bảo đảm sự tham gia của gia đình học sinh, tổ chức, cá nhân trong hoạt động giáo dục.
Cơ sở giáo dục có trách nhiệm giải trình việc quản lý, sử dụng các nguồn lực xã hội hóa để tổ chức các hoạt động giáo dục và tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng; thực hiện trách nhiệm giải trình đối với các nội dung khác theo quy định của pháp luật về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Theo TTXVN/Báo Tin tức