Toàn xã hiện có trên 3.000 hộ dân, với 12.733 nhân khẩu, được phân bổ trong 10 thôn, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 15.000 ha; trong đó đất sản xuất nông nghiệp khoảng 13.700 ha; đất lâm nghiệp khoảng trên 410 ha; cây lâu năm trên 1.300 ha (cây điều và cây ăn quả). Đồng chí Nguyễn Văn Thu, Bí thư Đảng ủy xã Lâm Sơn cho biết, những năm qua, địa phương được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ đầu tư về hạ tầng giao thông, mở rộng tuyến đường Nam SaKai để phát triển giao thương hàng hóa; hỗ trợ đào tạo kỹ thuật để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương mang lại hiệu quả tích cực. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá làm thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ của người dân, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng bền vững, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, thu nhâp bình quân đạt 41 triệu đồng/người/năm. Nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu ttrên chính mảnh đất của mình sinh sống, như hộ chị Lê Thị Thúy với vườn cây ăn trái 5 ha, chị Hà Thị Lệ Chi thôn Lâm Bình với vười cây ăn trái 10 ha cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm… Nhờ đó, trong nhiều năm liền tỷ lệ hộ nghèo của địa phương luôn giảm. Riêng năm 2020, số hộ nghèo giảm với 0,98%; đến nay tổng số hộ nghèo còn 548 hộ, chiếm 17,3% trên tổng số hộ.
Nhờ chuyển đổi giống cây trồng, nhiều nông hộ có thu nhập ổn định từ cây bưởi.
Đến thăm các vườn cây ăn trái và vườn lan của hộ ông Phan Thanh Sang, dọc đường đi, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay của vùng đất này khi hầu hết những căn nhà lá đơn sơ được thay thế bằng những căn nhà khang trang, hiện đại. Những con đường bê tông liên thôn được nối dài mở rộng giúp cho bà con lưu thông, vận chuyển háng hóa được dễ dàng. Nhiều hàng quán mọc lên với cảnh người mua, bán tấp nập chuẩn bị đón Tết, tạo nên không khí sôi động. Trước đây, các nông hộ nơi đây chỉ biết canh tác những cây ngắn ngày nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi được chính quyền vận động các hộ tham gia tổ hợp tác trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP kinh tế có khá hơn. Tại thôn Lâm Hòa và Nam Sa Kai có 9 hộ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng xây dựng vườn cây kiểu mẫu và đầu tư hệ thống tưới nước khép kín để trồng cây bưởi da xanh cho hiệu quả kinh tế cao. Là xã lại được thiên nhiên ưu đãi được xem là “Vương quốc trái cây Nam Bộ” thu nhỏ, với các loại trái cây đặc sản như: Dừa, bưởi, chôm chôm, sầu riêng, bơ… Nhờ điều kiện về thổ nhưỡng nên sản phẩm trái cây ở đây đều ngon và có vị đặc trưng, đến mùa các thương lái đến tận vườn thu mua với giá cao, đem lại nguồn thu đáng kể cho các chủ vườn.
Sự nỗ lực của chính quyền địa phương cùng với sự vượt khó của người dân đã làm thay đổi diện mạo xã Lâm Sơn. Việc, phát huy tiềm năng, thế mạnh về điều kiện thổ nhưỡng cùng với việc định hướng đúng đắn của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả mang tính bền vững, đã góp phần thúc đẩy kinh tế xã Lâm Sơn phát triển.
Rời Lâm Sơn, trong tiết trời lành lạnh của những ngày giáp Tết, nhưng chúng tôi cảm thấy vui về sự đổi thay của vùng đất Lâm Sơn. Tin rằng, với sự nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và người dân, trong tương lai, Lâm Sơn sẽ mở ra triển vọng mới trong sản xuất nông nghiệp bền vững, với một khu du lịch sinh thái miệt vườn thật quy mô hơn nữa để mang lại cho người dân một cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Duy Linh