Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng của huyện, UBND các xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chính sách theo Nghị quyết 30a, Chương trình 135 của Chính phủ và một số chương trình, chính sách hỗ trợ khác. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình hiệu quả tập trung vào những hộ nghèo, cận nghèo, các hộ có khả năng thoát nghèo trong năm, nhằm giảm nghèo một cách bền vững.
Nhờ chuyển đổi sang trồng bưởi nhiều hộ dân xã Phước Bình (Bác Ái) đã có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Tiến Mạnh
Một trong những chính sách có sức lan tỏa được người dân tích cực tham gia đó là chương trình hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, qua đó có tác động tích cực đến công tác giảm nghèo. Đến nay, tổng doanh số cho vay tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 308,64 tỷ đồng, doanh số thu nợ 267,35 tỷ đồng, dư nợ cho vay 444,41 tỷ đồng. Các chính sách đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn cũng được chú trọng thực hiện. Trong năm qua, huyện đã mở 12 lớp tổ chức dạy nghề cho 399 lao động, đạt 114% kế hoạch. Đối tượng tham gia tập trung vào các lao động nhàn rỗi, thanh niên có khả năng lao động, lao động nghèo; các lớp dạy nghề chủ yếu phục vụ cho công tác trồng trọt, chăn nuôi tại địa phương; đảm bảo các đối tượng sau khi học nghề được áp dụng nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ trên 92,2 tỷ đồng để thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, trong năm 2020, huyện đã thực hiện 186 dự án. Các dự án chủ yếu tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình sản xuất; các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh như mở rộng kênh mương, nâng cấp đường giao thông nội đồng để phục vụ sản xuất và vận chuyển hàng hóa. Trên cơ sở rà soát đánh giá hiệu quả, UBND huyện đã giao vốn thực hiện phát triển các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương như trồng mì, bắp lai, bưởi da xanh, điều, chăn nuôi bò, dê, heo đen, gà thả vườn và giao khoán bảo vệ rừng. Bằng các chương trình vay vốn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, trong năm huyện đã giải quyết việc làm cho 1.262 lao động, đạt trên 100% kế hoạch.
Đồng chí Cấn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết: Trong năm 2020, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 và ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai hạn hán, lốc xoáy đã tác động đến đời sống và sản xuất của người dân, tuy nhiên với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình KT-XH của huyện tiếp tục phát triển ổn định, một số chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch như: Tổng đàn gia súc, tỷ lệ dân cư sử dụng nước hợp vệ sinh, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn được quan tâm; công tác chỉ đạo, điều hành giải ngân vốn đầu tư đã có chuyển biến với nhiều giải pháp thiết thực. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn ở mức 28,75%, giảm 363 hộ/2.023 khẩu, giảm 5,5% so với cuối năm 2019.
Người dân Bác Ái phát triển mô hình trồng dưa lưới, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XIV, cũng là năm đầu của kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021-2025. Huyện xác định rõ mục tiêu tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; phấn đấu trong năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5%, giải quyết việc làm mới 1.250 lao động, đào tạo nghề cho 350 lao động nông thôn. Để thực hiện hiệu quả, hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đề ra, Ban Chỉ đạo giảm nghèo của huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ giảm nghèo, đột phá giảm tỷ lệ hộ cận nghèo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách địa bàn các xã, gắn công tác phát triển KT-XH trên địa bàn với thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững; Trong đó, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích lúa ở những vùng không chủ động nước, tăng diện tích màu, đậu, cây ăn trái, cỏ chăn nuôi; từng bước chuyển canh tác vùng đất dốc sang trồng cây dài ngày, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nhằm tăng năng suất và hiệu quả. Phát triển đàn gia súc có sừng gắn với đồng cỏ và sử dụng phụ phẩm làm thức ăn cho gia súc, tăng nhanh đàn heo và đàn gia cầm, từng bước nâng cao các chuỗi giá trị sản phẩm trên địa bàn huyện. Triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với mô hình giảm nghèo nhanh, bền vững và phù hợp với điều kiện của huyện. Tranh thủ nguồn vốn ngân sách nhà nước từ các chương trình hỗ trợ đặc thù, kết hợp kêu gọi, thu hút các thành phần kinh tế vào hợp tác, đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện để phát kinh tế; tiếp tục tạo điều kiện cho người dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng cường vận động, hướng dẫn Nhân dân sử dụng vốn vay đúng mục đích và hiệu quả. Thực hiện tốt các chính sách cho hộ nghèo, chú trọng các giải pháp giảm nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều và tiếp tục hỗ trợ chính sách cho các hộ sau khi thoát nghèo hạn chế tái nghèo; thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và đồng bào dân tộc thiểu số.
Anh Tuấn