Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 đơn vị chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện các mô hình mới và thâm canh các loại cây ăn quả như chôm chôm, măng cụt, bơ sáp, bưởi da xanh, mãng cầu và táo theo hướng VietGAP, quy mô 65,5 ha, trên địa bàn huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải, Ninh Sơn và Bác Ái. Trong quá trình thực hiện mô hình, đã nhân rộng được 4,8 ha bưởi da xanh và 0,4 ha mãng cầu tại huyện Ninh Sơn và Ninh Phước.
Nông dân huyện Bác Ái thực hiện mô hình thâm canh bưởi da xanh cho thu nhập cao. Ảnh: Anh Tuấn
Đánh giá tổng kết của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, các mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao; ngoài mô hình trồng mới cây chôm chôm, măng cụt, bơ sáp đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản chưa đánh giá hiệu quả, thì các mô hình thâm canh bưởi da xanh, mãng cầu đã cho hiệu quả. Cụ thể, tại xã Phước Bình (Bác Ái), nông dân trồng 1 ha bưởi da xanh mỗi năm thu hoạch được hơn 12 tấn, giá bán 35.000 đồng kg, sau khi trừ chi phí thu lãi hơn 360 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng bắp 300 triệu đồng. Đối với cây mãng cầu tập trung nhiều ở xã Phước Trung, Phước Chính, Phước Đại (Bác Ái), Phước Hà, Nhị Hà (Thuận Nam) cũng cho lợi nhuận cao, đạt gần 300 triệu đồng/ha/năm.
Điểm đáng ghi nhận, qua thực hiện mô hình thâm canh cây ăn quả đã nâng cao nhận thức của nông dân trong việc đầu tư đúng mức và chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây trồng cạn ngắn ngày, sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, ổn định lâu dài. Các hộ tham gia mô hình được hướng dẫn sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được khuyến cáo phòng trừ các loại sâu bệnh trên từng loại cây trồng; sử dụng phân bón hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh, hạn chế sử dụng phân vô cơ. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, giúp hạn chế sâu bệnh, hạn chế tồn chất độc hại trong đất và sản phẩm, an toàn cho môi trường.
Đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Thời gian tới, Trung tâm sẽ tổ chức các chương trình hội nghị chuyên đề, tổng kết các mô hình nông nghiệp, tập trung tối đa các nguồn lực để tạo bước đột phá về khả năng nhân rộng mô hình thâm canh cây ăn quả hiệu quả. Xây dựng chương trình khoa học và công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học vào sản xuất. Phát huy hiệu quả sự liên kết với doanh nghiệp trong chuyển giao khoa học và công nghệ, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Để đạt được mục tiêu nhân rộng các mô hình, Trung tâm đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh giải pháp đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là thủy lợi, giao thông, điện ở những khu vực trồng cây ăn quả. Đặc biệt là quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao và ban hành các chế chính sách kèm theo để tạo “cú hích” trong thu hút nguồn lực đầu tư vào sản xuất các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Anh Tùng