Toàn huyện Ninh Phước hiện có 1.196 hộ nghèo, chiếm 3,04% tổng số hộ trong cả huyện. Năm 2019 huyện đã triển khai mô hình các CQ-ĐV nhận đỡ đầu hộ nghèo để đẩy nhanh giảm tỷ lê hộ nghèo. Theo đó, mỗi CQ-ĐV nhận giúp đỡ từ 1 đến 2 hộ nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Để mô hình đạt hiệu quả, huyện đã tiến hành rà soát, phân loại hộ nghèo ở các xã, phân công cán bộ xuống tận gia đình tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn, vướng mắc. Từ đó, có định hướng hỗ trợ cho các hộ nghèo phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của từng gia đình. Cùng với đó, cán bộ ở các CQ-ĐV còn vận động hộ nghèo thay đổi nhận thức về cách tiếp cận với các mô hình sản xuất mới để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Theo đó, cán bộ đã tập trung hướng dẫn hộ dân về kỹ thuật canh tác, chăn nuôi theo hướng tập trung. Có những CQ-ĐV giúp các hộ nghèo bằng cách tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất; phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật mới về trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ cây giống, giống vật nuôi.
Nhờ Hội Nông dân huyện Ninh Phước giúp đỡ, gia đình ông Huỳnh Tấn Châu, xã Phước Sơn đã vươn lên thoát nghèo.
Điển hình như Hội Nông dân (HND) huyện được phân công giúp đỡ 4 hộ nghèo ở xã Phước Sơn và Phước Thuận. Qua khảo sát, đơn vị biết được số hộ nghèo được giúp đa phần thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, thiếu kỹ thuật canh tác. Vì vậy, khi được phân công, hàng tháng, cán bộ của HND thay nhau bám sát địa bàn tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các gia đình cách làm ăn. Nhờ đó, sau 2 năm nhận đỡ đầu, đến nay các hộ thoát nghèo. Ông Đặng Thanh Bình, Chủ tịch HND huyện Ninh Phước, cho biết: Để giúp đỡ các hộ nghèo, Hội vận động hội viên, các nhà hảo tâm đóng góp 138 triệu đồng mua 2 con bò cái hỗ trợ 2 hộ nghèo ở xã Phước Sơn; xây dựng 2 căn nhà cho hộ nghèo ở xã Phước Thuận. Qua đó, giúp các hộ nghèo có điều kiện ổn định cuộc sống.
Anh Huỳnh Tấn Châu, thôn Ninh Quý 2, xã Phước Sơn, chia sẻ: Trước đây, gia đình thuộc diện hộ nghèo, được HND huyện quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt, đặc biệt là hỗ trợ bò giống để phát triển chăn nuôi. Ngoài ra, Hội còn hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi, nên gia đình có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Bà Võ Thị Hồng, xã Phước Thuận cũng được HND huyện hỗ trợ xây dựng căn nhà mới, bà xúc động: Nhờ cán bộ, đảng viên công tác ở HND huyện hỗ trợ gia đình tôi có được căn nhà xây, từ nay thoát cảnh nhà dột.
Sau 2 năm thực hiện từ nhiều nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn cụ thể của các CQ-ĐV và sự chủ động, nỗ lực của từng hộ nghèo, đến nay mô hình đã mang lại hiệu quả rất thiết thực, được Nhân dân ủng hộ. Trong số 50 hộ nghèo được 32 CQ-ĐV nhận đỡ đầu có 36 hộ dân thoát nghèo; 427 hộ nghèo được các xã, thị trấn nhận đỡ đầu có 288 hộ thoát nghèo bền vững.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tâm, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ninh Phước, cho biết: Mô hình các CQ-ĐV nhận giúp đỡ đầu hộ nghèo được triển khai không chỉ là giải pháp giúp huyện đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo trên địa bàn huyện từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống. Qua đó, tạo được sự gắn kết và niềm tin của người dân vào cán bộ, đảng viên và cấp ủy, chính quyền. Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về mục đích, ý nghĩa của việc triển khai mô hình CQ-ĐV nhận đỡ đầu hộ nghèo; tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân chủ động hơn nữa trong việc đưa cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
Tiến Mạnh