Anh Phan Ngọc Tuấn, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Phước Thuận đưa chúng tôi đi thăm các vườn trầu và hỏi chuyện làm ăn của bà con trong dịp đón mừng tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Anh Tuấn cho biết thời xa xưa thương hiệu trầu Thuận Hòa nổi tiếng trong Nam ra Bắc. Do quá trình đô thị hóa và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, toàn xã hiện nay chỉ còn khoảng 2 ha vườn trầu của 50 gia đình có thu nhập ổn định từ loài cây biểu tượng cho tình nghĩa sắt son của dân tộc Việt. Chòm Trầu là địa danh của xóm dân cư trù phú nằm ven bờ sông Dinh bốn mùa xanh mướt vườn trầu hương cau thơ mộng, trữ tình. Đến đây, chúng tôi như đi lạc giữa không gian xanh mát thanh bình của làng quê Việt xưa. Nhà tiếp nhà là những vườn trầu vươn cành tỏa bóng xanh mát trong nắng mai đầu xuân mới, thấp thoáng bóng dáng của những phụ nữ vườn trầu một nắng hai sương. Đâu đó còn vang vọng câu hát giao duyên tha thiết, trữ tình: “Anh về cuốc đất trồng cau/Cho em trồng ké dây trầu một bên/Chừng nào cau nọ lớn lên/Trầu kia ra lá em đền ơn anh”.
Gia đình chị Lê Thị Thu Hồng chăm sóc vườn trầu xanh tốt chuẩn bị thu hoạch bán vào dịp tết Nguyên đán.
Anh Nguyễn Tấn Hưng, 61 tuổi nguyên Bí thư Chi bộ thôn Thuận Hòa là một trong những nông dân gắn bó với vườn trầu gia đình được ông bà tạo dựng hơn 100 năm trước. Ngừng tay bơm nước tưới cho vườn trầu, anh cho biết: “ Khi tôi lớn lên đã thấy ba mẹ hôm sớm chăm sóc vườn trầu dành dụm vốn xây nhà cửa khang trang, cho con ăn học”. Trầu Thuận Hòa trồng trên dãi đất phù sa ven Sông Dinh có đặc điểm lá dày, màu vàng kim, dẻo thơm, không đắng, được người ăn trầu các tỉnh, thành phố trong cả nước ưa chuộng. Khi tục ăn trầu còn thịnh hành thì nghề trồng trầu rất thịnh vượng. Nguồn hoa lợi do dây trầu đem lại giúp cho nhiều gia đình trở nên khá giả, cuộc sống ấm no, nuôi con ăn học thành tài. Cảnh mua bán trầu ở làng Thuận Hòa xưa diễn ra rất nhộn nhịp. Người làng thu hái trầu từ chiều hôm trước xếp thành liễn để sáng hôm sau thương lái thuê xe ngựa qua Thuận Hòa chở trầu về chợ Phan Rang. Từ đây, các chủ vựa phân phối đưa trầu đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trầu được tính theo đơn vị lá và có cách tính rất riêng, 40 lá xếp thành 1 liễn; 16 liễn xếp thành một trăm trầu, với 640 lá; 10 trăm thành 1 thiên trầu 6.400 lá; 10 thiên thành 1 muôn trầu có 64.000 lá.
Chị Lê Thị Thu Hồng một cư dân chuyên nghề trồng trầu ở Thuận Hòa cho biết vợ chồng chị thừa kế vườn trầu cau do cha mẹ để lại với diện tích 2,5 sào có khoảng 1.000 gốc trầu và 80 cây cau trên 50 năm tuổi. Gia đình chị có cuộc sống no ấm nuôi con trai học đại học nhờ hoa lợi của vườn đầu đem lại. Từ vườn trầu cho thu hoạch mỗi tháng hai lứa đạt trên 2 muôn trầu thu nhập trung bình 20 triệu đồng, giá bán trầu đẹp phục vụ cho các gia đình cưới hỏi có giá 200.000 đồng/16 liễn. Vườn trầu quanh năm xanh tốt nhờ sử dụng phân chuồng hoai mục và kết hợp bón phân lân tạo bộ rễ ổn định. Mỗi đợt thu hoạch trầu chị Hồng phải thuê 6 công lao động nữ vừa hái vừa xếp trầu rồi gọi thương lái ở Phan Rang đưa xe lên chở về phân phối cho bạn hàng.
Trầu là loài cây dây leo thích nghi trên những vùng đất phù sa tơi xốp giàu dinh dưỡng. Cây chùm ngây được trồng làm nọc cho dây trầu leo. Người trồng trầu phải thường xuyên chạy nước giữ ẩm gốc kết hợp bón phân chuồng ủ mục. Các gia đình nhà vườn đang tất bật chăm sóc, chuẩn bị thu hoạch đưa những liễn trầu xanh mướt vào chợ tết Tân Sửu 2021 phục vụ nhu cầu cúng kính gia tiên theo tín ngưỡng tâm linh của người Việt xưa và nay. Đây cũng là dịp để người trồng trầu có chút ít thu nhập giữ lại loài cây mang ý nghĩa văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Sơn Ngọc