Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh triển khai được 27 CĐL với tổng diện tích hơn 3.275 ha; trong đó, 23 cánh đồng lúa diện tích hơn 3.130 ha, 1 cánh đồng bắp 80 ha, 2 cánh đồng măng tây xanh 35 ha, 1 cánh đồng nho gần 30 ha. Đồng chí Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho hay, mô hình CĐL nhanh chóng được nhân rộng đó là nhờ có sự vào cuộc đồng bộ của ngành chức năng, các địa phương trong hỗ trợ nông dân, các hợp tác xã thực hiện mô hình. Điều này được minh chứng ở chỗ, CĐL bắt đầu triển khai thí điểm ở xã Phước Hậu (Ninh Phước) trong vụ lúa hè-thu năm 2017, chỉ sau một thời gian ngắn đã nhân rộng sang địa bàn huyện Ninh Hải, Thuận Nam, Thuận Bắc, Ninh Sơn. Quá trình thực hiện mô hình có sự quan tâm của tỉnh trong việc thành lập đoàn công tác thường xuyên đi về cơ sở kiểm tra, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Nông dân thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) chăm sóc cây nho. Ảnh: Văn Nỷ
Điểm sáng trong sản xuất CĐL là chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật mới vào tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, từ vệ sinh đồng ruộng, làm đất, sử dụng giống mới cho đến sơ chế, bảo quản sản phẩm. Cụ thể, đối với cánh đồng lúa, khâu trang phẳng mặt ruộng bằng máy đạt 100%; trong đó, diện tích san phẳng bằng tia lazer là 15,4 ha, đạt 0,56%. Nhờ đó, sản xuất CĐL đạt được nhiều kết quả. Đối với cây lúa, hầu hết diện tích CĐL cho năng suất cao hơn 10-20% so với sản xuất riêng lẻ từng hộ, giá bán cao hơn giá thị trường tại thời điểm từ 50-200 đồng/kg, nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất từ 5-10%, do đó lợi nhuận tăng từ 15-30% so với sản xuất đại trà. Cây bắp, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi 34-35 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất bắp theo phương thức truyền thống khoảng 20 triệu đồng/ha. Các CĐL trồng nho, măng tây xanh cũng cho lợi nhuận cao, giúp nông dân có thu nhập ổn định, yên tâm tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Bên cạnh hiệu quả kinh tế, thì sản xuất CĐL đã tạo đột phá thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng liên doanh, liên kết. Giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh đã thực hiện 27 liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; trong đó, 23 liên kết lúa, 2 liên kết măng tây xanh, 1 liên kết bắp giống và 1 liên kết nho.
Nhìn lại 4 năm triển khai mô hình CĐL đạt được kết quả đó là nhờ có sự quan tâm của UBND tỉnh trong ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, nên mô hình phát triển đúng hướng, quy mô sản xuất hàng hóa ngày càng rõ nét, thu hút các DN đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học và kỹ thuật để nâng cao năng suất, giảm giá thành sản phẩm, chất lượng nông sản được cải thiện. Tuy vậy, vẫn còn một số khó khăn như việc tiếp cận, đầu tư nghiên cứu các nội dung của chính sách tại một số địa phương, tổ chức, cá nhân còn chậm và lúng túng, dẫn đến tiến độ thực hiện một số nội dung chưa đạt kế hoạch đề ra. Các hợp tác xã thiếu vốn, năng lực hoạt động hạn chế, chưa phát huy hết vài trò của mình với DN và nông dân trong đầu tư liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng là rào cản ảnh hưởng đến thực hiện mô hình CĐL cần sớm được tháo gỡ.
Theo Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021 tiếp tục duy trì các CĐL đã triển khai trong năm 2020; đồng thời, xây dựng thêm một số CĐL sản xuất các loại cây trồng đặc thù của tỉnh. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, đảm bảo nông dân và DN đều được lợi, Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, có chính sách hỗ trợ nông dân tham gia CĐL; chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu các mô hình CĐL có hiệu quả đến người dân, kêu gọi thu hút đầu tư, liên kết sản xuất giữa DN với các hợp tác xã và nông dân.
Anh Tùng