Xuân trên những "cánh đồng" năng lượng tái tạo

Không khí xuân 2021 đã về ngập tràn trên từng công trình, nẻo đường quê hương. Xuân này thêm vui khi trên địa bàn tỉnh ta, nhiều công trình năng lượng tái tạo đã hoàn thành theo kịp tiến độ, thắp lên nguồn điện sáng, tạo động lực để quê hương Ninh Thuận ngày thêm rạng rỡ.

Năm qua, trên địa bàn tỉnh ta ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư các công trình điện năng lượng tái tạo, làm thay đổi rõ rệt về bộ mặt tỉnh nhà. Từ một vùng đất nhiều nắng gió, khắc nghiệt, đất đai cằn khô, nhưng với hướng đi phù hợp, trên những vùng đất khó này đang mọc lên những công trình mới, với hàng loạt dự án điện gió và điện mặt trời.

Một trong những công trình được coi là dấu ấn nhất của năm qua, đó là công trình “có một không hai” dự án đường dây 500 kV và Nhà máy điện mặt trời 450 MW Trung Nam - Thuận Nam. Thực hiện đăng ký đầu tư trong năm và triển khai ngay khi vừa hoàn thiện thủ tục. Trên công trường hơn 700 ha, chủ đầu tư đã huy động gần 8.500 kỹ sư, công nhân; hơn 1.000 đầu phương tiện, máy móc, kể cả máy bay trực thăng để vận chuyển thiết bị, kéo đường dây 500 kV vượt núi cao. Trực tiếp chỉ đạo tại công trường, ông Trần Đức Xuyên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam cho biết: Nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 55 về định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Bộ Chính trị, chúng tôi đã phát động “Chiến dịch 102 ngày, đêm” dự án đường dây 500 kV và Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam. Trong điều kiện gặp nhiều khó khăn về công tác giải phỏng mặt bằng do thời gian gấp, diện tích lớn, tuyến thi công đường dây qua địa hình phức tạp. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự nỗ lực trong quyết tâm đầu tư, đến nay, dự án đã đi vào hoạt động ổn định, khai thác hơn 1,2 tỷ kWh điện và góp phần quan trọng giải tỏa công suất lưới điện cho khu vực Ninh Thuận.

Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam. Ảnh: Văn Nỷ

Là dự án điện gió được triển khai sớm, sử dụng công nghệ tuabin tiên tiến không hộp số, Dự án điện gió Mũi Dinh với 16 trụ điện gió đã không chỉ góp vào nguồn thu phát triển kinh tế của địa phương mà còn tạo cảnh quan, điểm đến mới, hấp dẫn người dân, du khách khi đến Ninh Thuận. Theo ông Lê Văn Lâm, Đại diện chủ đầu tư Dự án điện gió Mũi Dinh: Lợi thế của điện gió là không chiếm nhiều diện tích về đất đai, tạo cảnh quan hấp dẫn người dân và du khách, cung cấp nguồn năng lượng sạch phù hợp với xu thế phát triển ổn định lâu dài, góp phần tạo nguồn thu ngân sách nhà nước. Dưới những công trình điện gió, người dân vẫn có thể sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp hoặc làm các dịch vụ du lịch phục vụ khách tới tham quan trải nghiệm trên dọc tuyến đường ven biển.

Không chỉ mang về nguồn thu lớn cho địa phương, điều quan trọng là các dự án đã mang lại những lợi ích thiết thực cho đời sống dân sinh. Từ những vùng đất nghèo khó, nay đã trở thành những công trường, nhà máy, nhộn nhịp và đầy sinh khí, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người dân. Tại xã Phước Minh (Thuận Nam), địa phương một thời được coi là “vùng đất khát”, cuộc sống của nhiều hộ dân tưởng như bế tắc do sản xuất nông nghiệp bấp bênh. Nay trên chính mảnh đất này, cuộc sống đã chuyển sang gam màu tươi mới bởi Dự án điện mặt trời BIM 1, 2 và 3 trải rộng hàng trăm héc-ta. Cùng với đó, người dân đã có việc làm ổn định trong các nhà máy với thu nhập cho lao động phổ thông từ 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Con em địa phương sau khi tốt nghiệp đại học đã trở về lập nghiệp ngay chính trên quê hương mình. Kỹ sư Hoàng Thị Ngân, Công ty Cổ phần Năng lượng BIM cho biết: So với những năm trước, thị trường việc làm, lao động ở quê hương đã năng động hơn rất nhiều. Điều đáng mừng nhất là tạo cơ hội cho người trẻ, có năng lực trở về đầu tư, lập nghiệp trên chính quê hương mình.

Đường dây truyền tải 220/500kV do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) làm chủ đầu tư đã đóng điện thành công. Ảnh: TN

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, với chủ trương phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, trong năm 2020 nhiều dự án năng lượng tái tạo đã hoàn thành, đi vào hoạt động. Đến nay toàn tỉnh có 3 dự án điện gió đưa vào vận hành, với tổng công suất 229 MW, tổng sản lượng điện khoảng 467 triệu kWh; có 32 dự án điện mặt trời đã phát điện lên lưới với tổng công suất trên 2.212 MW, tổng sản lượng điện khoảng 2.400 triệu kWh. Với việc đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo đã tác động, lan tỏa giúp Ninh Thuận, nơi giàu tiềm năng nắng và gió “bật dậy, cất cánh” vươn lên mạnh mẽ ngay cả trong điều kiện khó khăn, chịu tác động “kép” của hạn hán và dịch COVID-19. Đây sẽ là nền tảng, là động lực quan trọng để Ninh Thuận tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo sự bứt phá và sớm hiện thực khát vọng trở thành Trung tâm năng lượng của quốc gia.

Những vùng đất khô cằn, hoang hóa ngày nào nay được “phủ xanh”, trở thành những “cánh đồng” năng lượng mặt trời, trải dài tít tắp. Xa xa, trên cánh đồng lúa, triền núi, dọc bờ biển xanh những cánh quạt gió khổng lồ cứ cần mẫn quay, mang lại nguồn năng lượng vô tận. Một mùa xuân mới đã về trên vùng đất nắng, tạo thêm khí thế mới để Ninh Thuận trở mình vươn dậy với sức vóc mới, khát khao triển vọng mới.