Hướng tới đạt mục tiêu, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các bộ, ngành trung ương tham mưu xây dựng quy hoạch phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 đạt khoảng 21.450 MW; trong đó, điện mặt trời 8.648 MW, điện gió 5.240 MW, Thủy điện tích năng Bác Ái 1.200 MW, Điện khí LNG Cà Ná 6.000 MW, thủy điện vừa và nhỏ 362 MW.
Quy hoạch dựa vào tiềm năng, lợi thế về phát triển năng lượng của tỉnh, nhất là NLTT. Trên thực tế, thời gian qua, được sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, đặc biệt là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 113/NQ-CP ngày 31-8-2018 về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), ổn định sản xuất, đời sống xã hội giai đoạn 2018-2023 đã thúc đẩy KT-XH phát triển bứt phá, trong đó lĩnh vực NLTT đóng góp lớn vào thu ngân sách. Đến nay toàn tỉnh có 35 dự án điện gió và điện mặt trời đưa vào vận hành, với tổng công suất trên 2.212 MW, tạo đà để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nhiều dự án mới, không riêng gì điện gió trên đất liền, mà còn triển khai thêm các dự án điện gió trên biển.
Cánh đồng điện gió Mũi Dinh (Thuận Nam). Ảnh: Anh Tuấn
Niềm tin càng được thắp sáng, khi mới đây, tại cuộc họp triển khai kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách năm 2021 do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 4-1 vừa qua, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đưa ra thông điệp tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển KT-XH theo hướng nhanh và bền vững, trong đó công nghiệp năng lượng được xác định là khâu đột phá. Đồng chí chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương triển khai có hiệu quả các dự án năng lượng đã được bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, các dự án chuyển tiếp hoàn thành năm 2021, đồng thời kịp thời kiến nghị Chính phủ bổ sung vùng tiềm năng NLTT vào Quy hoạch điện VIII; xúc tiến, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cảng biển tổng hợp Cà Ná và khối cảng dự án điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1, Thủy điện tích năng Bác Ái và hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải.
Có thể nói, tiến trình xây dựng tỉnh ta trở thành trung tâm NLTT của cả nước đang được mở rộng nhờ vào sự đổi mới tư duy, sáng tạo trong lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và sự đồng thuận cao của các tầng lớp Nhân dân. Tuy vậy, bên cạnh thuận lợi vẫn còn những rào cản cần sớm được khai thông. Cụ thể, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do các văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ, phù hợp; việc quản lý đất đai vẫn còn một số hạn chế dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu nại trong một bộ phận người dân; trình tự thủ tục kéo dài trong việc xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án; hệ thống truyền tải chưa đáp ứng nhu cầu giải tỏa công suất các dự án NLTT làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án và thu ngân sách của tỉnh.
Điện mặt trời Trung Nam (Thuận Bắc) góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Ảnh: V.M
Những khó khăn trên, đưa đến thách thức mới, đó là phải chuẩn xác đầy đủ các cơ sở dữ liệu để phục vụ việc lập quy hoạch tổng thể về phát triển NLTT; đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ cho phát triển NLTT mà tự nội lực trong tỉnh không thể giải quyết rốt ráo được, rất cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương.
Nhìn nhận thấu đáo vấn đề để đưa ra giải pháp thực hiệu hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021 mà tỉnh đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt. Trong đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có kế hoạch bố trí nguồn lực để đầu tư các công trình lưới điện truyền tải theo quy hoạch nhằm giải tỏa toàn bộ công suất các nguồn điện. Đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái, công suất 1.200 MW và đường dây 500kV đấu nối đưa vào vận hành đồng bộ dự án. Cùng với đó, tổ chức triển khai lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW và đường dây 500kV, 220kV đấu nối vận hành năm 2025-2026; tiếp tục đầu tư các nhà máy điện khí giai đoạn 2, 3, 4, công suất 4.500 MW và đường dây đấu nối vận hành để đến năm 2030 nâng tổng quy mô công suất Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná đạt công suất 6.000 MW.
Tỉnh ta có tiềm năng phát triển NLTT rất lớn so với cả nước; lợi thế về cơ chế, chính sách giá điện mặt trời đến hết năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Nghị quyết số 115/ NQ-CP đã thu hút mạnh mẽ các dự án triển khai trên địa bàn các huyện. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án gặp một số khó khăn nhất định như đã nêu trên. Do đó, để tiếp tục khai thác, phát triển bền vững nguồn NLTT, tỉnh rất cần Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các dự án.
Anh Tùng