Dạo một vòng quanh các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng trên địa bàn Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, không khí Tết đã ngập tràn. Các đơn vị kinh doanh đều dành những khu vực đẹp nhất để trưng bày các mặt hàng phục vụ Tết với hình thức bắt mắt, mẫu mã đa dạng, phong phú, thu hút sự chú ý của khách hàng.
Siêu thị Co.opmart Thanh Hà trưng bán phong phú hàng hóa phục vụ người tiêu dùng mua sắm dịp Tết. Ảnh: P.B
Khoảng 90% lượng hàng hóa được bày bán trên thị trường phục vụ dịp Tết đều là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được cơ quan chức năng kiểm định về chất lượng. Các nhóm mặt hàng được người dân quan tâm thời điểm này là thời trang, thực phẩm chế biến, gia vị, bánh kẹo và đồ trang trí nhà cửa, hoa, cây cảnh. Để phục vụ tốt người tiêu dùng, từ hơn nửa tháng nay, các đơn vị kinh doanh đã tuyển thêm nhân viên, bố trí thêm các quầy thanh toán, tăng thời gian bán hàng cùng các dịch vụ đóng gói, giao hàng tận nơi; đồng thời, triển khai nhiều hình thức bán hàng như: Bán trực tiếp, bán online để tiếp cận với số đông khách hàng. Theo tìm hiểu của phóng viên, năm nay, tình hình giá cả các loại mặt hàng phục vụ Tết cơ bản ổn định. Các loại thực phẩm khô, thực phẩm chế biến, bánh kẹo, mứt… phong phú về chủng loại, giá cả phù hợp, đáp ứng được nhu cầu các đối tượng khách hàng. Các mặt hàng đặc sản, đặc thù địa phương, vùng miền được người tiêu dùng tìm mua nhiều trong dịp Tết. Dù khoảng thời gian cao điểm mua sắm, nhưng nhờ các chương trình kích cầu tiêu dùng như khuyến mãi, giảm giá, tặng thẻ Voucher mà các đơn vị kinh doanh tung ra nên người tiêu dùng vẫn được hưởng lợi. Bà Nguyễn Thị Nguyên, chủ cửa hàng tạp hóa tại phường Tấn Tài, cho biết: Thời điểm này, lượng khách hàng mua sắm đã tăng khoảng 30%, chủ yếu tập trung các mặt hàng gia vị, bánh kẹo, mứt, nước giải khát. Đa số người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các mặt hàng sản xuất trong nước, giá cả phải chăng, mẫu mã đẹp.
Đối với nhóm mặt hàng thực phẩm tươi, thời điểm này, một số loại củ, quả dùng để làm dưa món, bánh, mứt và thịt heo được sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng. Trong khi giá cả các loại củ, quả đang dần ổn định trở lại sau khoảng thời gian thuận lợi về mặt thời tiết, thì giá thịt heo đang tăng lên. Hiện, giá thịt heo thành phẩm bán ra tại các chợ truyền thống dao động ở mức 130- 170 ngàn đồng/kg tùy loại, tương đương với giá thịt heo dịp cuối năm năm 2020. Chị Nguyễn Thùy Trang, tiểu thương bán thịt heo tại chợ Mỹ Phước (phường Mỹ Bình) cho biết: Liên tục 2 tuần qua, giá thịt heo tăng ở mức từ 1 đến 1,2 ngàn đồng/kg.
Trước diễn biến của thị trường hàng hóa những tháng cuối năm, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương đang theo dõi sát diễn biến thị trường, nhất là các mặt hàng phục vụ Tết, đảm bảo không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia bình ổn, tổ chức các chuyến hàng lưu động phục vụ tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai; tăng cường gắn kết xúc tiến thương mại kết hợp với các chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu và chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, giới thiệu quảng bá, tôn vinh các sản phẩm hàng Việt, các mặt hàng đặc thù của tỉnh nhà. Sở cũng đã phối hợp với Sở Tài chính tiến hành chi tạm ứng 18 tỷ đồng vốn ngân sách hỗ trợ 4 doanh nghiệp thương mại chủ lực của tỉnh dự trữ 8 nhóm mặt hàng thiết yếu để bình ổn giá cả. Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo thành lập 3 đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.
Ngọc Diệp