Về miền quê những ngày giáp Tết, đi trên con đường, xóm nhỏ, cảnh quê thanh bình, yên ả cũng trở nên rộn rã hơn khi nhà nhà, người người tranh thủ cắt tỉa từng nhánh mai, lặt lá để kịp ra hoa vào ngày đầu năm mới. Ghế cao, ghế nhỏ được mang ra tận dụng. Người lớn thì chọn cành cao khó lặt, chỗ thấp thì nhường các em nhỏ lặt phụ giúp gia đình. Cùng với hàng mai trước sân, những ngôi nhà cũng được trang trí đầy màu sắc, không cầu kỳ, xa hoa mà mang vẻ đẹp mộc mạc, bình dị nhờ những loài hoa vạn thọ, hoa cúc... do người dân tự trồng xung quanh. Đặc biệt nhất là, trước mỗi khoảng sân nhỏ, được mọi người bày biện phơi những mẫu bánh in, bánh thuẩn, miếng cốm thơm phưng phức như tô điểm cho ngày xuân thêm phần ý nghĩa.
Tết quê còn gắn liền với những buổi chợ rộn ràng, nhộn nhịp. Cứ độ 23 tháng Chạp, những buổi chợ quê ngày Tết bắt đầu từ rất sớm. Khi gà gáy là lúc những chuyến xe hàng chở đầy ắp đồ, nào cây trái, hoa quả, những giỏ gà, vịt bôn ba đến khắp các chợ để bày hàng bán trong tiếng cười nói râm ran, náo nhiệt cả con đường. Chợ quê đông đúc lạ thường, ấy vậy mà những cô, những chị, vẫn nhường nhịn, dành cho nhau những vị trí ngồi để bán những cây trái, sản vật do mình làm được cho bà con thôn quê. Khác với chợ thường ngày, chợ Tết sẽ có thêm mặt hàng hóa các loại hoa, mâm ngũ quả trưng Tết, ẩm thực đặc trưng trong mỗi bữa ăn. Từ những hàng củ cải, củ kiệu cay nồng, hay sắp lá chuối được xếp gọn gàng xanh mướt, đến bó lạt đi kèm để gói bánh chưng, bánh tét. Kế bên là mặt hàng trái cây với những quả bưởi, cam, mãng cầu... to tròn, mọng nước và không thể thiếu là những hàng hoa tràn ngập sắc hương ngày Tết của cúc vạn thọ, cúc đại đóa, lay ơn... những mặt hàng đậm chất miền quê "cây nhà lá vườn" luôn tươi và có giá rất "mềm" hơn so với thành thị. Không khí ở chợ quê cũng trở nên gần gũi, thân quen hơn khi mọi người đi chợ mua sắm đều là những người trong làng, trong xóm, ai ai cũng biết nhau trong lời thăm hỏi, chúc nhau rộn ràng. Để rồi, mỗi khi đi xa quê, mọi người đều muốn một lần được đi chợ quê ngày Tết để cảm nhận được hương vị mùa xuân đang đến gần.
Có lẽ, Tết quê mang phong vị đậm đà hơn thành phố, khi lối sống hiện đại, mọi người thường chọn mua các loại bánh tết tại các cửa hàng, siêu thị vì không có thời gian mua sắm. Thì những người miền quê họ vẫn giữ truyền thống như gói bánh chưng, bánh tét ngày cuối năm. Trong mỗi gia đình, hình ảnh Tết thường thấy là người cha chặt lá chuối, chẻ lạt, các bà mẹ bận rộn với những thau nếp, làm nhân bánh... Không khí se lạnh ngày giáp Tết như được tan ra bên bếp lửa đỏ rực đêm ngày của nồi bánh tết, gia đình lại tiếp tục quây quần bên nhau đổ những mẫu bánh thuẩn thơm lừng mùi trứng, nhặt từng hạt lúa còn sót lại trong hạt nổ rang để mang đi ép cốm và tất bật bên mâm bột nhào nặng làm bánh in. Tết quê, nhà nhà đều phải có bánh tét, cốm, bánh thuẩn, mà phải chuẩn bị thật nhiều để chia phần cho con cháu về quê và dành chút ít hương xuân để thưởng thức trong những ngày tháng Giêng oi ả.
Bỏ lại sau lưng phố thị với những ánh đèn màu, miền quê những ngày giáp Tết còn là nơi để đón những người con xa xứ. Mặc dù bận rộn đến đâu, nhưng ngày Tết, những người con xa quê cũng đều cố gắng trở về, làng xóm trở nên đông đúc, trong mỗi gia đình mang không khí sum vầy, ấm áp tình thân nên ai ai cũng mong ngóng đón chờ Tết đến, xuân về.
Hồng Thư