Tập đoàn BIM Group: Kinh nghiệm phát triển điện mặt trời và những đề xuất chính sách phát triển năng lượng tái tạo

Tính tới năm 2017, Việt Nam chưa có dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn nào hòa lưới và tổng công suất điện gió cũng chưa tới 200MW. Chỉ trong 2 năm, tới tháng 6-2019, Việt Nam đã đứng đầu Đông Nam Á về điện mặt trời với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 4GW và là thị trường phát triển nhanh thứ hai trên thế giới về điện mặt trời. Các dự án điện gió cũng dồn dập được hòa lưới trong năm 2019-2020. Tổng sản lượng đóng góp cho sản lượng cả nước năm nay dự kiến cũng trên 3% vào phần trăm tổng sản lượng.

Năng lượng tái tạo (NLTT) có được sự phát triển vượt bậc như vậy là do chính sách phát triển đúng đắn và đột phá của Bộ Công Thương và Chính phủ, thể hiện được tầm nhìn phát triển và đón đầu được xu thể công nghệ, xã hội. Với các chính sách FIT như Quyết định 11, Quyết định 13 cho Điện mặt trời, Quyết định 39 cho điện gió.

Trong sự phát triển NLTT, các nhà đầu tư đã cảm nhận được sự chỉ đạo hợp tác giúp đỡ của các UBND tỉnh đặc biệt ở đây là UBND tỉnh Ninh Thuận, đã vào cuộc cùng với nhà đầu tư. Chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây vai trò của địa phương ngay từ đầu đã xác định đây là mũi nhọn phát triển kinh tế của tỉnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên, biến những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt thành nguồn lực để phát triển kinh tế. Song song đó, có sự vào cuộc của EVN từ các tổng công ty điện lực, Tập đoàn, Tổng truyền tải tới Trung tâm điều độ quốc gia đều vào cuộc và trong một thời gian ngắn đã có gần cả trăm dự án điện đưa vào hoạt động. EVN cũng tích cực đầu tư hạ tầng lưới truyền tải cho các địa phương để đảm bảo công suất giải tỏa. Với các cơ sở trên, năng lượng tái tạo đã huy động được các nguồn lực của hơn 50 nhà đầu tư trong và ngoài nước với gần 100 dự án. Ví dụ như đối với BIM Group đã hoàn thiện 3 dự án tại Ninh Thuận với hơn 330MW điện mặt trời hòa lưới điện quốc gia.

Một góc Nhà máy điện mặt trợi của BIM 3 tại Phước Minh (Thuận Nam).Ảnh: Văn Nỷ

Từ những yếu tố nêu trên, BIM Group đã có chiến lược phát triển mảng năng lượng tái tạo rất cụ thể với mục tiêu trở thành nhà đầu tư hàng đầu về năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Để thực hiện được việc này thì BIM Group đặt trọng tâm vào các yếu tố sau:

- Kinh nghiệm đầu tư các dự án NLTT quy mô lớn: Từ 2017 đến 2019 BIM Group đã mạnh dạn tổ chức triển khai và đã đưa vào vận hành 330MWp điện mặt trời, hiện nay là dự án ĐMT lớn nhất ở Ninh Thuận và top đầu của Việt Nam. Với các kinh nghiệm có từ việc triển khai dự án lớn này, bao gồm việc huy động vốn vay quốc tế, giám sát các nhà thầu quốc tế với đội ngũ tư vấn, thực hiện dự án chuyên nghiệp, BIM và các đối tác đã xây dựng được khả năng triển khai các dự án năng lượng tái tạo có quy mô lớn trong khu vực. BIM Group hoàn toàn có khả năng thực hiện các công trình có quy mô lớn và phức tạp, và trong năm 2020-2021 tới đây sẽ tiếp tục phát triển khoảng 200MW điện gió và Mặt trời. Chuẩn bị tốt về tài chính, nhân sự: Để thực hiện được các dự án NLTT đòi hỏi sự chuẩn bị tốt về tài chính, minh bạch trong việc triển khai đầu tư. Với các dự án đã triển khai cũng như đang chuẩn bị triển khai thì đảm bảo huy động vốn tài chính ảnh hưởng lớn tới tiến độ của các dự án.

- Tận dụng được thế mạnh hiện có, kết hợp các mảng kinh doanh: Một số mảng kinh doanh lớn hiện nay của BIM như sản xuất muối và nuôi tôm. Đây là các ngành kinh doanh có thể kết hợp tương đối tốt với NLTT. Ví dụ BIM đang xin để thực hiện dự án điện gió kết hợp trên cánh đồng muối tại Ninh Thuận. Việc triển khai này sẽ đảm bảo tối ưu hóa được các nguồn lực xã hội tăng hiệu quả sử dụng đất và các tài nguyên.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, EVN: Việc phát triển NLTT là hướng phát triển dài hạn. Trong một tương lai không xa, các nguồn NLTT gió và mặt trời sẽ đóng góp một sản lượng lớn cho ngành điện. Việc phát triển này tất yếu sẽ có ảnh hưởng tới cả ngành. Với nhận thức đó BIM luôn cập nhật trao đổi cầu thị với các cơ quan quản lý và EVN để cập nhật các thông tin mới nhất và tuân thủ các quy định này để đảm bảo việc phát triển trong dài hạn.

Như trên đã trình bày, BIM Group ngay từ khi đầu tư mảng NLTT đã luôn coi trọng việc phối hợp với các cơ quan nhà nước, tuân thủ các quy định có liên quan và đảm bảo lợi ích cả về kinh tế cũng như xã hội toàn diện. Cụ thể:

+ Với người dân: Năng lượng tái tạo sẽ là nguồn năng lượng có giá thành hợp lý mang lại lợi ích cho người dân. Phát triển kinh tế bền vững hạn chế ảnh hưởng tới môi trường để đảm bảo phát triển kinh tế thực chất là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Với các hệ lụy từ các nguồn điện hóa thạch thì với sự phát triển NLTT, chúng ta đứng trước cơ hội không phải đánh đổi sức khỏe, chất lượng cuộc sống với phát triển kinh tế. Ví dụ như dự án ĐMT BIM 2 chúng tôi quan tâm tới thiết kế của nhà máy và sẵn sàng thiết kế nhà máy sao cho khi mưa lớn, nước không thoát thẳng ào ạt ra ruộng lúa của dân mà ngược lại.

+ Với Nhà nước: NLTT sẽ là nguồn điện bổ sung thiết yếu cho phát triển kinh tế. Mảng năng lượng là hạ tầng phát triển kinh tế với tốc độ tiêu thụ thường tăng gấp 1,5 lần tăng trưởng GDP. Tài nguyên của Việt Nam không chỉ dừng lại ở Than, khoáng sản, dầu mỏ mà còn là những nguồn tái tạo như quang năng, phong năng. Cùng với các tác động của điện than và chững lại của thủy điện thì việc Việt Nam có thể đi tắt đón đầu để có thể phát triển bền vững từ những nguồn năng lượng tái tạo. 

+ Với nhà đầu tư: NLTT mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào mảng hạ tầng của kinh tế xã hội. Trước đây các dự án năng lượng thường được triển khai từ các công ty nhà nước hoặc các nhà đầu tư lớn nước ngoài do quy mô đặc thù thì với các dự án NLTT, sự năng động của các nhà đầu tư tư nhân sẽ đóng góp thêm vào sự phát triển của thị trường.

Các kỹ sư BIM Group kiểm tra hệ thống điện mặt trời ở Phước Minh (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ

Trước tiên phải khẳng định NLTT Điện gió, điện mặt trời là tương lai. Ngay như ở một quốc gia bảo thủ về năng lượng như Mỹ thì tại California trong các năm gần đây công suất lắp đặt mới của gió và mặt trời đã lớn hơn 50% công suất lắp đặt mới, do vậy đây là xu hướng tất yếu. Nghị quyết 55 của Bộ chính trị cũng có chỉ rõ cần phải “Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế. Sớm nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và xây dựng định hướng phát triển năng lượng địa nhiệt, sóng biển, thuỷ triều, hải lưu; triển khai một số mô hình ứng dụng, tiến hành khai thác thử nghiệm để đánh giá hiệu quả. Thực hiện nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng hydro phù hợp với xu thế chung của thế giới.”

Chúng tôi nhìn rõ thấy Ninh Thuận hội tụ đủ lợi thế để thành trung tâm NLTT của cả nước, và chúng tôi ngoài việc phát triển tại các địa bàn khác thì vẫn coi đây là các địa phương thích hợp cho chiến lược dài hạn của chúng tôi. Những việc chúng tôi tiếp tục kiến nghị: Đẩy mạnh phát triển hạ tàng đấu nối lưới điện, cho phép tư nhân đầu tư hạ tầng 500kV, cho phép tư nhân đầu tư các công trình bổ trợ cho lưới điện. Ví dụ như các anh bên EVN có thông tin là lưới EVN có thể đáp ứng được 15-20% NLTT từ gió và mặt trời, thì tiềm năng này là còn nhiều dư địa cho phát triển năng lượng.

- Chính sách với điện gió: Đề xuất phê duyệt BQSH cho các dự án tiềm năng điện gió và điện mặt trời và đề xuất có chính sách rõ ràng liên quan tới các dự án điện gió sau năm 2021. Trong đó có việc hệ thống hóa các quy hoạch điện này trong Quy hoạch Điện 8.

- Chính sách với Điện mặt trời: Thực hiện cơ chế đấu thầu đề nghị Bộ Công Thương sớm có hướng dẫn với chính sách đầu thầu này để đảm bảo hiệu quả tổng thể của xã hội.

- Đối với địa phương: Các nhà đầu tư rất mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan chính quyền, thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng. Các địa phương có sự chọn lọc trong các nhà đầu tư thực chất tránh việc dự án treo hay không hoàn thành đúng hạn. BIM Group rất mong nhận được phản hồi, giới thiệu các cơ hội tiềm năng để cùng địa phương phát triển kinh tế.